Chủ động cấp căn cước cho công dân tạm trú
Những ngày này, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội từ tỉnh đến cơ sở đang nỗ lực ngày đêm làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có cả công dân tạm trú.
Quy trình làm căn cước cho công dân tạm trú
Khác với quy trình cấp căn cước công dân gắn chíp (CCCD) cho công dân thường trú, việc cấp căn cước cho công dân tạm trú mất nhiều thời gian hơn bởi lực lượng chức năng phải xác minh thông tin tại nơi thường trú của họ.
Việc làm CCCD gắn chíp vẫn đang được lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội toàn tỉnh dồn lực thực hiện.
Thượng tá Huỳnh Thị Bích Liên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA tỉnh, cho biết: Do người dân tạm trú chưa có thông tin đầy đủ trên dữ liệu dân cư quốc gia (DC01) nên lực lượng tiếp nhận làm CCCD phải yêu cầu về giấy tờ rườm rà hơn so với những công dân thường trú. Cụ thể, công dân tạm trú khi đi làm thủ tục cấp thẻ CCCD cần mang theo CMND/ CCCD cũ, sổ hộ khẩu (bản gốc), sổ tạm trú hoặc giấy khai sinh để chứng minh các nội dung thông tin của cá nhân, bổ sung đầy đủ các thông tin công dân trong phiếu thu thập thông tin về dân cư. Sau đó, cơ quan tiếp nhận đề nghị làm thẻ CCCD thực hiện thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD qua phần mềm thu nhận hồ sơ cấp CCCD; thu nhận dấu vân tay, chụp ảnh, hoàn thiện thông tin trong phiếu thu nhận thông tin CCCD.
Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, cơ quan tiếp nhận đề nghị cấp CCCD gắn chíp sẽ gửi phiếu DC01 của công dân về CA cấp cơ sở nơi công dân đang cư trú để xác minh thông tin của công dân trong dữ liệu dân cư qua phần mềm thu thập, chỉnh sửa thông tin dân cư và xử lý vi phạm. Nhận được phiếu xác minh DC01, CA cấp cơ sở nơi công dân đang cư trú có trách nhiệm phối hợp, trao đổi với CA cơ sở nơi công dân đăng ký thường trú và xác nhận kết quả xác minh tại phiếu DC01. Sau đó, thông báo cho đơn vị cấp CCCD để làm căn cứ cấp CCCD cho công dân.
Ngoài ra, với những trường hợp công dân bị mất CMND cần phải xác minh qua tàng thư CCCD thì ngoài gửi phiếu DC01 còn phải gửi phiếu thu thập thông tin CCCD (CC02) về Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nơi công dân đăng ký thường trú để kiểm tra, xác minh tính chính xác của dấu vân tay.
Tạo thuận lợi cho công dân tạm trú
Sau khi có chỉ đạo của Bộ CA về việc triển khai cấp CCCD cho người dân tạm trú, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tiến hành thông báo về quy trình làm đối với đối tượng này để mọi công dân cùng nắm bắt.
Đơn cử, CA huyện Tây Sơn đã có văn bản thông báo kể từ ngày 15.5 tiến hành cấp CCCD cho công dân tạm trú cũng tại địa chỉ 84 Mai Xuân Thưởng, thị trấn Phú Phong, như các công dân thường trú. Còn CA huyện Phù Cát thì kết hợp ngay 3 tổ cấp CCCD lưu động thực hiện luân phiên tại các xã, thị trấn, ngoài việc làm CCCD cho công dân thường trú, tiếp nhận làm cả yêu cầu làm CCCD cho công dân tạm trú. Trong khi đó, tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA tỉnh (số 10 Trần Phú, TP Quy Nhơn), cán bộ, chiến sĩ vẫn triển khai làm CCCD cho công dân thường trú lẫn tạm trú liên tục từ 6 giờ sáng đến 24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần. Tất cả người dân (kể cả thường trú và tạm trú) đều có thể đến để làm thẻ CCCD gắn chip theo quy định.
Anh Huỳnh Quang Đạt (quê Hải Dương, hiện tạm trú ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Sau khi nắm thông tin, tôi đã mang đầy đủ các loại giấy tờ như yêu cầu để đi làm. Tuy nhiên, sổ tạm trú của tôi đã quá thời hạn nên cán bộ CA yêu cầu về lại CA phường nơi tôi tạm trú để gia hạn. Tôi thấy, đang trong tình hình dịch bệnh thế này thì việc ưu tiên làm CCCD cho người dân tạm trú như tôi rất đáng hoan nghênh”.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA tỉnh, tính đến ngày 31.5, toàn tỉnh đã thu nhận trên 700 nghìn hồ sơ CCCD, trong đó, có 726 trường hợp của công dân tạm trú. Dự kiến, ngày 1.7 tới, khi dữ liệu dân cư quốc gia đi vào hoạt động và thu thập đầy đủ thông tin của công dân, công dân có thể làm CCCD tại bất cứ địa phương nào mà không cần phải mang theo sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, tạm vắng. Thời điểm đó, toàn bộ thông tin cá nhân của người dân đã được cập nhật đầy đủ trên hệ thống dữ liệu, công dân chỉ cần mang theo CMND/CCCD cũ.
Bài, ảnh: KIỀU ANH