CÁT HƯNG TĂNG TỐC VỀ ĐÍCH XÃ NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO:
Khi lòng dân đã thuận
Xã Cát Hưng về đích nông thôn mới từ năm 2018 và từ đó đến nay nỗ lực giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đó là cơ sở để huyện Phù Cát chọn Cát Hưng thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2021.
Ông Võ Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Cát Hưng, cho biết: Sau khi tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng của xã theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, chúng tôi tập trung củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong triển khai thực hiện từng nhóm tiêu chí, vấn đề, hằng tháng, hằng quý đều có báo cáo nhanh. Nhờ vậy đến nay, xã đã đạt 7/13 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 6 tiêu chí còn lại phấn đấu hoàn thành trong quý III/2021.
Một góc xã Cát Hưng hôm nay
Xác định lấy phát triển kinh tế làm nền tảng vững chắc, chính quyền và các hội, đoàn thể trong xã đã tập trung vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; xây dựng các mô hình cánh đồng lớn; khuyến khích và tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay và kỹ thuật mới để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế. Các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo bò, chăn nuôi gà, vịt, cá lồng bè trong hồ thủy lợi… ngày càng phát triển và nhân rộng; diện tích rừng trồng theo dự án WB3 cũng được chú trọng. Bên cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống được khuyến khích đầu tư phát triển, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho nhân dân.
Nhờ vậy đến cuối năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 14%; thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,35%; người dân trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên chiếm trên 99,5%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 8,61%... Đến nay 100% đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, xóm được bê tông hóa và 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa; 6/6 thôn đều có nhà văn hóa, khu sinh hoạt thể thao, mạng internet phủ kín đến các thôn; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; các mô hình tự quản được triển khai thực hiện có hiệu quả, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Với kinh nghiệm đã có, lãnh đạo Cát Hưng tập trung phát huy vai trò làm chủ của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Từ đó, người dân đã hiến 7.625 m2 đất, tự nguyện chặt bỏ hàng vạn cây cối, hoa màu và đóng góp hơn 3 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi; đóng góp tiền lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên 4 km đường giao thông nông thôn… Trong đó điển hình là ông Phan Thanh Liêm (ở thôn Mỹ Thuận) tự bỏ ra 40 triệu đồng và vận động các nhà hảo tâm góp thêm để xây dựng cầu bắc qua suối với tổng kinh phí 80 triệu đồng; gia đình ông Lê Chẳng (thôn Mỹ Long) bỏ ra gần 40 triệu đồng để mua vật liệu, thuê nhân công, cùng với phần xi măng do tỉnh hỗ trợ, làm 96 m đường bê tông phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản trong vùng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng thôn Hưng Mỹ 1, cho biết: “So với hồi xây dựng nông thôn mới, mọi thứ thuận lợi hơn do bà con không có tư tưởng ỷ lại, hiểu rõ tất cả những gì mình làm là vì lợi ích chính mình. Hơn nữa thực tế cho thấy chương trình xây dựng nông thôn mới đã phát huy hiệu quả tích cực nên nhân dân đồng thuận và cùng nhau thực hiện. Bà con trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường trong thôn, đăng ký sử dụng dịch vụ thu gom rác thải… Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm, 100% hộ đều được sử dụng điện và nước sạch”.
“Cát Hưng đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đạt các tiêu chí còn lại, chúng tôi sẽ về đích nông thôn mới nâng cao theo đúng lộ trình đã đề ra”, ông Võ Ngọc Thương khẳng định.
Bài, ảnh: TRƯỜNG GIANG