Giáo dục đạo đức, lối sống từ trong gia đình
Ngành Văn hóa cùng chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 371.467 hộ được công nhận gia đình văn hóa.
Gia đình bà Phan Thị Thu Hà, ở khu phố An Khương, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát là một trong những hộ luôn giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc. Giai đoạn 2015 - 2020, gia đình bà 2 lần được UBND huyện Phù Cát tặng giấy khen về “Gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước”; bà cũng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lựa gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.
Vợ chồng bà Hà (thứ ba, thứ tư từ phải sang) cùng các thành viên trong gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những năm tháng gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, vợ chồng bà Hà và ông Hồ Nghĩa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác. Bốn người con (2 con trai ruột, 2 con gái nuôi) đều học hành tới nơi tới chốn, hiện đã lập gia đình và có việc làm ổn định, là gương sáng cho nhiều gia đình noi theo. Ngoài gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gia đình bà Hà còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào như: Đóng góp xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Khuyến học, quỹ Vì người nghèo và công tác xã hội, từ thiện. Hằng năm, gia đình bà đóng góp hàng chục triệu đồng cho công tác từ thiện, đồng thời là cầu nối với những tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm trong việc hỗ trợ những hoàn cảnh, mảnh đời bất hạnh trong xã hội.
Theo bà Phan Thị Thu Hà, điều cốt lõi để xây dựng một gia đình hạnh phúc là ông bà, cha mẹ phải mẫu mực trong nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm, chăm sóc con cháu chu đáo. Người lớn gương mẫu thì các con và những thành viên khác trong gia đình sẽ noi gương, học tập và làm theo.
Để giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa, vợ chồng chị Bùi Thị Thu Thắm, ở thôn Phước Bình, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân cùng nhau nuôi dạy con tốt, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vun đắp hạnh phúc. Năm 2014, gia đình chị còn thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhờ chịu khó làm ăn, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo, hiện đang ổn định với nghề làm bún gạo. Hiện nay, cơ sở làm bún gạo của gia đình chị Thắm đang tạo việc làm cho 7 lao động, thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, gia đình chị còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, tích cực đóng góp kinh phí cho các quỹ giúp phụ nữ nghèo, nhân đạo, từ thiện.
“Trong cuộc sống vợ chồng luôn nhường nhịn và chia sẻ công việc nhà với nhau, cùng nhau chăm lo cho tương lai con cái, đó là điều hạnh phúc nhất. Vợ chồng tôi luôn quan niệm giữ gia đình hạnh phúc cũng là cách để giáo dục, làm gương cho con cái và luôn quan tâm dạy con cái ứng xử lễ phép với ông bà, cha mẹ”, chị Thắm chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Việc xây dựng gia đình văn hóa là nội dung quan trọng, cốt lõi trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp chính quyền trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Các gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” luôn ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chất lượng phong trào ngày càng được nâng cao, góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống và chuẩn mực đạo đức trong đời sống hiện đại. Để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, thời gian tới, ngành Văn hóa tiếp tục động viên, khen thưởng những điển hình văn hóa, xây dựng các mô hình khu dân cư văn hóa kiểu mẫu để phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ; vận động nhân dân tham gia đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình công cộng.
Theo Sở VH&TT, toàn tỉnh hiện có 122/156 xã, phường, thị trấn có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tiêu biểu; 415 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, thực hiện tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình có nơi tạm lánh và các nhu cầu thiết yếu khác nhằm giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe, tính mạng; 169 CLB “Gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” với hơn 1.800 thành viên tham gia sinh hoạt. Các tiêu chí thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, các loại hình CLB gia đình phát triển bền vững luôn được bổ sung, hoàn thiện; mô hình gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc luôn được chú trọng, đề cao.
TRỌNG LỢI