Ngọn Hải đăng - ánh sáng chủ quyền quốc gia trên biển
Trên các đảo và điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa có 9 ngọn Hải đăng ở các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Song Tử Tây, Tiên Nữ và Trường Sa lớn.
Hải đăng trên đảo Đá Tây B. Ảnh: vietnam.vnanet.vn/TTXVN
Đây là những công trình do các kỹ sư, cán bộ, nhân viên của Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo quản lý, vận hành, bảo dưỡng. Những ngọn Hải đăng hằng đêm cần mẫn tỏa ánh sáng hỗ trợ, định hướng cho tàu thuyền qua lại trong khu vực. Đây không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền trong đêm tối giữa đại dương bao la mà còn khẳng định là cột mốc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
“Ánh sáng chủ quyền” biển đảo Tổ quốc
Được ví như “những cột mốc chủ quyền”, Trạm Hải đăng đảo Song Tử Tây được xây dựng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa vào năm 1993, cách khoảng 17 hải lý, tàu thuyền có thể nhìn thấy ánh đèn màu sáng trắng, chớp trắng chu kỳ 15 giây.
Là người có thâm niên trong nghề, anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Trạm Hải đăng Song Tử Tây) chia sẻ: “Tôi luôn tự hào được công tác tại Trạm Hải đăng. Những ánh sáng của đèn trong đêm như thôi thúc tôi tiếp tục nỗ lực, rèn luyện, cống hiến phục vụ, hỗ trợ đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển, giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền, bảo vệ từng tấc đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Trường, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Song Tử Tây, ngọn Hải đăng trên đảo đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các tàu trên biển đảm bảo an toàn, góp phần hiện đại hóa giao thông đường biển và khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Ngoài ra còn tích cực giúp cho việc cứu hộ, cứu nạn trên biển được thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời.
Trạm Hải đăng trên đảo Sơn Ca được xây dựng và đưa vào vận hành từ tháng 8.2010, do Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Miền Nam quản lý vận hành. Hải đăng Sơn Ca cao 28m, tâm sáng 25,5m chớp trắng nhóm 2, chu kỳ 10 giây, tầm hiệu lực 15 hải lý. Ban ngày, vào những lúc thời tiết tốt, từ cách xa hàng chục hải lý tàu thuyền qua lại có thể nhìn thấy ngọn hải đăng này.
Hải đăng Song Tử Tây cao 38 m, được đưa vào sử dụng từ năm 1993. Ảnh tư liệu
Trạm trưởng Trạm Hải đăng Sơn Ca Trần Văn Chiến cho biết: “Đèn Hải đăng hoạt động từ 17 giờ 30 phút ngày hôm trước đến 5 giờ 30 phút sáng hôm sau. Ngày nào có dông gió, sương mù, thời tiết xấu thì phải mở đèn sớm hơn và tắt muộn hơn. Khi gặp sự cố, đèn chính bị hỏng, thì đèn phụ được bật lên để thay thế và ngay lập tức phải khắc phục sự cố đèn chính. Trong bất luận điều kiện nào, đèn Hải đăng không được tắt. Bởi Hải đăng Sơn Ca không chỉ làm mốc chỉ dẫn cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực mà còn là ánh sáng của chủ quyền quốc gia trên biển”.
Đèn hải đăng chạy điện năng lượng mặt trời và tự động bật tắt khi trời tối nhưng luôn phải đảm bảo máy nổ, máy phát điện vận hành bình thường trong mọi điều kiện, nhất là mưa, bão kéo dài. Hơi muối mặn và gió biển dễ làm hư hỏng máy móc và các trang thiết bị kỹ thuật nên cán bộ, công nhân viên phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị trên trạm.
Những hi sinh thầm lặng
Hải đăng không bao giờ được phép tắt - đó là “mệnh lệnh trái tim” của các cán bộ, nhân viên các trạm và những chiến sỹ hải quân nơi biển đảo Tổ quốc.
Trạm trưởng Trạm Hải đăng Sinh Tồn Bùi Văn Sơn, người đã có hơn 20 năm tuổi nghề và hơn 10 năm gắn bó với các trạm hải đăng trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bày tỏ, nhiều năm công tác tại các trạm Hải đăng trên huyện đảo Trường Sa cũng thành quen. Khó khăn, vất vả thì không kể hết được nhưng nếu không yêu nghề, không yêu biển, đảo thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Công việc và điều kiện sinh hoạt giữa trùng khơi còn nhiều vất vả, song với tình yêu và mong muốn góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, anh luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ với vai trò là Trạm trưởng”.
“Đảo xa đất liền, nên lương thực hàng ngày của chúng tôi phải được tính toán kỹ lưỡng, chu toàn nhất có thể để thông tin về đất liền mua những vật phẩm cần thiết, đủ phục vụ ăn uống của cán bộ, nhân viên trạm. Trạm Hải đăng Sinh Tồn là một tập thể đoàn kết, luôn chia sẻ, giúp đỡ, đùm bọc nhau trong cuộc sống. Cán bộ, công nhân viên Trạm Hải đăng Sinh Tồn đã làm tốt công tác phối hợp, xây dựng tốt mối quan hệ quân dân với các lực lượng trên đảo, góp phần tích cực vào việc tăng cường sức chiến đấu và chủ động, không bị bất ngờ với mọi tình huống xảy ra, xây dựng thế trận lòng dân và thế trận an ninh nhân dân trên hướng biển. Chúng tôi rất vui khi Đoàn công tác số 4 ra thăm đảo, những lời ca, tiếng hát giữa mênh mông biển trời của đội văn nghệ xung kích Đoàn công tác số 4 đã mang nhiều cảm xúc, sự nồng ấm, xóa tan khoảng cách giữa đất liền và hải đảo, giúp chúng tôi nguôi đi nỗi nhớ nhà”. Trạm trưởng Bùi Văn Sơn tâm sự.
Theo anh Sơn, do hoạt động trong môi trường đặc thù nên thời gian công tác của cán bộ, công nhân viên dao động từ 6 đến 9 tháng trên đảo. Để trạm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao thì Trạm trưởng phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tình yêu biển, đảo cho cán bộ, công nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong trạm phải thường xuyên tự học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Anh Vũ Đức Nhâm, nhân viên Trạm Hải đăng Sơn Ca bộc bạch, với đặc thù là thường xuyên bị nhiễm nước biển mặn, nên hằng ngày, nhân viên phải vệ sinh đèn chính, đèn phụ, bên trong, bên ngoài lồng kính… đồng thời kiểm tra hệ thống máy móc, ắc-quy, máy phát để chống gỉ cho các bộ phận của ngọn Hải đăng, đảm bảo đèn không bao giờ tắt.
Trung tá Nguyễn Như Tuyến Chính trị viên đảo Sơn Ca khẳng định: Cán bộ, công nhân viên Trạm Hải đăng Sơn Ca luôn tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, luyện tập các phương án bảo vệ đảo, góp phần tăng cường sức chiến đấu cho đảo khi có tình huống xảy ra. Ngoài giờ làm việc, các anh đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng cảnh quan môi trường do đảo tổ chức. Cán bộ, công nhân viên Trạm Hải đăng và cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn để cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Công việc bình dị nhưng đó chính là sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, công nhân viên các Trạm Hải đăng trên quần đảo Trường Sa. Giữa ngàn khơi sóng vỗ, họ vẫn ngày đêm âm thầm bám biển, cống hiến tuổi thanh xuân để ngọn hải đăng không bao giờ tắt.
Nhìn những cột hải đăng sừng sững giữa biển trời Tổ quốc, chúng tôi lại nhớ đến những câu trong bài hát Ngọn hải đăng Trường Sa của tác giả Nguyễn Quốc Tây:
Ngắm ngọn hải đăng trên đảo Trường Sa Như cây cột lớn vươn trên bầu trời xanh Mảnh đất thiêng liêng của nước Việt Nam Từ ngàn năm xưa đã lưu dấu nơi này Hải đăng ơi, tháp sáng đêm đêm như con mắt thiêng dõi theo bóng tàu Trường Sa ơi, biển đảo thân thương như vòng tay mẹ dịu dàng yêu thương Hải đăng ơi, đứng đó hiên ngang qua bao sóng gió sáng soi dẫn đường Trường Sa ơi, biển đảo quê hương chúng em quyết giữ mãi muôn đời sau.
Theo Thắng Trung - Sỹ Tuyên - Phan Sáu (TTXVN/Tin tức)