“Phủ sóng” rau an toàn Lá Lành
Văn phòng dự án rau an toàn tỉnh Bình Ðịnh phối hợp với Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand đẩy mạnh quảng bá nhãn hiệu sản phẩm Lá Lành; tổ chức giới thiệu và dùng thử sản phẩm tại các điểm bán lẻ…
Dự án rau an toàn tỉnh Bình Định thành lập dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh với Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand và Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand từ năm 2016 - 2021. Đến nay, dự án đã xây dựng được 40 nhóm cùng sở thích/1.005 hộ/80 ha trồng rau, cung ứng ra thị trường 20 tấn rau/tháng với nhãn hiệu Lá Lành. Riêng năm 2020, 300 tấn rau Lá Lành các loại đã ra thị trường.
Thu hoạch bắp cải trắng trên ruộng rau của gia đình chị Đinh Thị Boi, thành viên nhóm cùng sở thích Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh).
Việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn giúp tăng năng suất và chất lượng, sản phẩm cung ứng thị trường tăng 10 - 15%/năm. Nông dân trong nhóm cùng sở thích, HTX sản xuất rau an toàn Lá Lành Bình Định có thu nhập cao hơn so với sản xuất rau truyền thống 10 - 15%.
“Ðể tăng mức tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Lá Lành Bình Ðịnh, điều cốt lõi là liên kết các nhóm cùng sở thích ở các địa phương, hình thành mạng lưới phân phối và tiêu thụ sản phẩm ở khu vực nông thôn. Trong khi các HTX có thế mạnh là năng lực sản xuất lớn đáp ứng đầu vào cho kênh bán lẻ hiện đại, thì nhóm cùng sở thích liên kết nhau phân phối cho các điểm bán lẻ ở chợ, khu vực nông thôn”.
TS Nguyễn Thị Tố Trân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, phụ trách dự án rau an toàn tỉnh Bình Định
Để mở rộng thị trường, bên cạnh kênh siêu thị, dự án còn xây dựng kế hoạch quảng bá, tiếp thị sản phẩm rau an toàn Lá Lành Bình Định qua các điểm bán lẻ, chợ truyền thống. Dự án cũng hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân, nhóm trưởng, HTX định kỳ quảng bá sản phẩm, hình thành mạng lưới tiêu thụ tại chợ truyền thống ở nông thôn. Đặc biệt, việc hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm giữa các nhóm cùng sở thích đã làm đa dạng sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Bà Đinh Thị Lệ Huyền, nhóm trưởng nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP Nhơn Hưng (TX An Nhơn), cho biết: Nhờ điều phối viên của dự án kết nối thông tin, các nhóm sản xuất nắm bắt tình hình sản xuất, thu hoạch của nhau để hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm. Dịp gần tết Nguyên đán 2021, nhóm cùng sở thích Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) thu hoạch rau ôn đới, sản lượng nhiều, chúng tôi đưa sản phẩm ở Vĩnh Sơn về điểm bán rau ở An Nhơn. Việc liên kết này giúp các nhóm ổn định được đầu ra sản phẩm, mở rộng thị trường, vì đặc thù mỗi vùng sản xuất được một số nhóm rau thế mạnh. Chúng tôi cũng được dự án hỗ trợ tham gia quảng bá tại các sự kiện, hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm rau an toàn Lá Lành bán tại hệ thống siêu thị SaiGon Co.op ở Bình Định.
Đến nay, dự án rau an toàn Bình Định đã hoàn thiện website giới thiệu, fanpage Lá Lành để giới thiệu sản phẩm trên trang mạng xã hội; đồng thời đầu tư vào quảng cáo trực tuyến với các giải pháp mới (quảng cáo trên google, SEM, KOL - người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để dẫn dắt). Từ tháng 9.2020 - 2.2021, website có 4.000 lượt truy cập và gần 5.000 lượt like, theo dõi trên facebook. Đơn vị tổ chức thành công chuỗi sự kiện thưởng thức rau an toàn Lá Lành tại hệ thống siêu thị Big C Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng; Co.opmart Quy Nhơn. “Trên trang facebook Lá Lành, những hình ảnh về các nông dân chăm sóc rau, thu hoạch rau, những nụ cười tươi rói sau một ngày làm việc đã giúp tôi đến gần hơn với họ. Với cách làm đó, người tiêu dùng có thêm kênh để tìm hiểu và tin tưởng hơn vào sản phẩm rau an toàn Lá Lành Bình Định”, ông Mai Nhật Trình, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ Cofarm (TP Quy Nhơn), chia sẻ.
Ông Phạm Tấn Phát, điều phối viên dự án rau an toàn Bình Định, cho biết, dự án nhằm tạo sinh kế bền vững cho nông dân, cải thiện môi trường sản xuất, đảm an toàn cho người tiêu dùng. Từ nay đến hết năm 2021, Văn phòng dự án tiếp tục chuỗi hỗ trợ về hạ tầng (nhà sơ chế, bàn ghế, quày hàng, phương tiện vận chuyển), kỹ thuật canh tác, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Bài, ảnh: THU DỊU