Hệ thống chương trình huấn luyện đối kháng: Cần thiết cho võ cổ truyền
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Ðịnh vừa hoàn thành soạn thảo chương trình huấn luyện nội dung đối kháng võ cổ truyền. Dù chỉ mang tính hệ thống lại những kiến thức trong thực tế, nhưng khi được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã ra đời và đi vào hoạt động tròn 30 năm, nhưng đến nay Ban chuyên môn của Liên đoàn hầu như chỉ tập trung vào nội dung hội thi (biểu diễn quyền, đối luyện) và luật thi đấu. Ở nội dung đối kháng, vấn đề được quan tâm nhiều là sửa đổi các thang điểm; điều chỉnh các đòn thế trong thi đấu (cấm sử dụng gối - chỏ, năm 1994); thay đổi mô hình thi đấu (chuyển thi đấu từ trên sàn đài xuống thi đấu dưới thảm, năm 2002; sau đó chuyển lên thi đấu trên sàn đài, năm 2012). Tại các cuộc hội thảo chuyên môn, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng chỉ xây dựng hệ thống các bài võ biểu diễn quy định quốc gia, các bài căn bản công pháp… chứ chưa đề cập đến việc xây dựng giáo trình mang tính hệ thống giảng dạy nội dung đối kháng.
Chưa có chương trình huấn luyện thống nhất, các kỳ thi nâng đai ở nội dung đối kháng võ cổ truyền chủ yếu dựa vào các bài quyền, đối luyện của nội dung hội thi (ảnh chụp trước tháng 4.2021).
Hiện nay, các võ đường, võ phái trong tỉnh cũng như các đội tuyển võ cổ truyền trên toàn quốc huấn luyện đối kháng mỗi nơi làm mỗi kiểu. Việc đào tạo ở nhiều võ đường, võ phái lâu nay chủ yếu dạy đòn thế và truyền khẩu quyết, chứ không theo một giáo trình căn bản nào. Ngay từ khi bắt đầu vào học, võ sinh đã được định hướng một cách rõ ràng: Chọn học đối kháng hay hội thi. Với việc tổ chức thi nâng cấp đai chủ yếu lấy chương trình nội dung hội thi làm cơ sở, các võ sinh theo học đối kháng đến kỳ thi phải “bổ sung cấp tốc” một số bài quyền, binh khí.
Võ cổ truyền lấy nguyên lý âm dương, ngũ hành tương sinh, tương khắc để giải thích tác dụng tấn công, phòng thủ, phản đòn, biến thế của các chiêu thức quyền. Cùng với đó, bát quái được vận dụng làm cơ sở lý luận cho bộ ngựa của võ cổ truyền. Trong khi đó, nhiều võ sư, HLV muốn học trò mình sớm được trang bị đầy đủ các kỹ năng để thi đấu nên bỏ qua những bước cơ bản, truyền đạt chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chứ không theo chương trình, giáo án cụ thể, dẫn đến tình trạng mai một kiến thức.
Đại võ sư Bùi Trung Hiếu, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: “Đây là lỗ hổng trong công tác đào tạo, bởi nếu phát triển theo chiều hướng đó thì giữa nội dung quyền thuật và đối kháng không phải chung một môn võ cổ truyền. Do đó, võ cổ truyền rất dễ trộn lẫn với các môn võ khác, bản sắc riêng cũng có nguy cơ khó giữ được. Hơn nữa, bản thân người đứng lớp cũng cần phải nắm vững lý luận, nguồn gốc của các đòn thế để phân tích, truyền dạy cho học trò ”.
Từ những thực trạng đó, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định xây dựng Giáo trình huấn luyện võ cổ truyền - Đối kháng, có sự gắn kết của quyền thuật và đối kháng, nhằm phát triển đồng bộ cả 2 nội dung trên nền tảng chung của võ cổ truyền. Chương trình hệ thống lại các đòn thế, hướng tới việc đào tạo căn bản và định hướng huấn luyện nâng cao, xây dựng chương trình huấn luyện đồng bộ, mang bản sắc riêng của võ cổ truyền. Đây cũng là cơ sở để đánh giá trình độ võ sinh từ cơ bản đến cấp 14 tại các đợt thi nâng đai.
Võ sư Phi Long Vinh, Phó Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Việc nhìn ra tồn tại nhiều năm qua trong huấn luyện đối kháng võ cổ truyền là điều rất đáng ghi nhận. Xây dựng chương trình đào tạo nội dung đối kháng võ cổ truyền sẽ giúp chúng ta khắc phục được những lỗ hổng, góp phần bảo tồn nguồn gốc, tạo cơ sở để đánh giá chính xác trình độ của người tập. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn, chúng tôi sẽ triển khai cho các võ đường, CLB trên địa bàn huyện tập luyện theo chương trình này”.
Bài, ảnh: HOÀNG QUÂN