Thúc đẩy chuyển đổi số để đưa nông sản Việt ra thế giới
Xuất khẩu nông sản có đặc thù cần thời gian lưu trữ, vận chuyển ngắn và truy suất nguồn gốc, đo lường chất lượng rõ ràng. Vì vậy, chuyển đổi số được xem là giải pháp quan trọng trong cả khâu sản xuất lẫn thương mại để đưa nông sản Việt ra thị trường quốc tế.
Hàng nông sản mùa vụ thường là hàng tươi sống, thời gian thu hoạch và sử dụng không dài nên nếu người nông dân tạo được thói quen ứng dụng công nghệ vào để bán và vận chuyển sẽ giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, đảm bảo độ tươi, ngon, sạch.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử không chỉ tạo thói quen bán hàng cho những người nông dân, mà còn là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị và sản phẩm.
Hiện nay vải thiều đang vào vụ thu hoạch, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sẽ khó tiêu thụ ở các kênh truyền thống. Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, như: Alibaba, Lazada, Sendo… để tiếp cận thị trường giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Khai thác nền tảng công nghệ để thông thương hàng hóa là vấn đề đang được quan tâm hiện nay.
Theo ghi nhận của Cục Xúc tiến Thương mại, tính từ ngày 14.5 đến nay, đã có khoảng 3 tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được tiêu thụ trên Lazada. Con số này không lớn, nhưng đây là những trái vải đầu mùa, được bán với giá thành tốt. Riêng sàn thương mại Sendo trong ngày 24.5 vừa qua đã bán hết 6 tấn vải thiều chỉ sau một ngày.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho rằng chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy người nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế.
Theo ông Chiến: "Chính quyền địa phương các cơ quan, ban, ngành… chính là các đơn vị quản lý nhà nước sâu sát nhất với doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh tại địa phương đó. Do đó, sự vào cuộc chia sẻ, truyền đạt các kiến thức, quảng bá, hướng dẫn để khuyến khích bà con sử dụng công nghệ số vào trong sản xuất kinh doanh cho các sản phẩm nông sản, thì vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng".
Sử dụng và khai thác các nền tảng công nghệ để thông thương hàng hóa là một trong những hướng đi đang được quan tâm hiện nay. Bởi chúng ta không thể cứ mãi kêu gọi "giải cứu" nông sản, mà các bên cần bắt tay, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ để người nông dân không bị động, ngắt quãng mỗi khi có sự cố xảy ra.
Câu chuyện về việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử một lần nữa gây được sự chú ý khi mới đây bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, UBND tỉnh Sơn La, Cục Xúc tiến thương mại, sàn thương mại điện tử Shopee, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn thương mại điện tử Postmart) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản và các sản phẩm tiêu biểu khác của địa phương lên sàn thương mại điện tử.
Theo đó, mận hậu và xoài tròn Yên Châu của Sơn La cũng chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee và được phân phối tại thị trường Hà Nội và TPHCM. Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được Cục Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu và đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nông sản Việt tiêu thụ thuận lợi hơn ở cả trong nước và ra thị trường thế giới.
"Người sản xuất hay các chuỗi cung ứng còn chưa có được khả năng tiếp xúc với công nghệ cao, cũng như khả năng làm quen được với nó. Do đó, yêu cầu đặt ra cho những nhà công nghệ phải đơn giản hóa tất cả những vấn đề đó một cách dễ dàng để hỗ trợ cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Theo đó, công nghệ mới phải trở nên dễ đối với người sử dụng, phỏng đoán trước những vấn đề sẽ xảy ra trong tương lai về những định chế về kinh tế cũng như định chế về chính trị sẽ thay đổi… để từ đó có bước đi phù hợp để kịp hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người sản xuất" - ông Đào Hà Trung cho biết.
Theo Nguyễn Hằng (VOV1)