CÁC ĐỊA PHƯƠNG DẬP DỊCH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN ĐÀN TRÂU BÒ:
Hiệu quả cao nhờ chủ động phòng ngừa
Ngay khi bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò vừa mới chớm xuất hiện, ngành Thú y đã phát ra nhiều cảnh báo sớm. Các địa phương đã chủ động khoanh vùng, bao vây, dập dịch ngay từ sớm. Người chăn nuôi cũng chủ động liên hệ với lực lượng thú y ở cơ sở, tự mua vắc xin để tiêm phòng cho vật nuôi, kể cả những con chưa nhiễm bệnh, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch khác.
Cuối tháng 5.2021, phát hiện có 1 con bò trong chuồng bị sưng chân đi lại khó khăn, ít ăn, nổi nhiều u cục trên lưng, ông Võ Văn Trạng, ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát lập tức báo cáo với cán bộ thú y địa phương. Khi biết đó là bệnh viêm da nổi cục (VDNC) ông Trạng mua vắc xin tiêm phòng ngay cho cả đàn, tách con bị mắc bệnh nuôi nhốt riêng, bổ sung dinh dưỡng trong khẩu phần ăn giúp tăng sức đề kháng của vật nuôi. Sau nhiều ngày tích cực điều trị, triệu chứng bệnh VDNC trên đàn bò đã thuyên giảm. Trò chuyện với tôi, ông Trạng chia sẻ. “Nhờ liên hệ sớm với cán bộ thú y, tôi mới biết đây là một loại bệnh mới. Được hướng dẫn chi tiết, sau khi tiêm vắc xin, tôi cho bò ăn cháo, cám thực phẩm và bổ sung thêm các loại thuốc bổ để tăng sức đề kháng. Hiện các u cục trên thân bò đã giảm nhiều, ăn uống bình thường trở lại!”.
Nhờ tiêm vắc xin kịp thời và tích cực điều trị, chăm sóc, nên đàn bò của ông Võ Văn Trạng, ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát đã dần bình thường trở lại.
Dù đàn bò chưa bị dịch bệnh VDNC, nhưng ông Huỳnh Thanh Vũ, ở thôn Tân Lộc, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ đã liên hệ với lực lượng thú y địa phương để tiêm phòng, ngừa bệnh cho vật nuôi. “So với giá trị con bò, toàn bộ chi phí phòng bệnh không đáng kể, nếu mình chủ quan, tiếc tiền, chữa trị không đúng bệnh, có khi lại tiền mất tật mang. Tôi chủ động liên hệ thú y xã đến tiêm phòng cho đàn bò, tiện thể nhờ họ tư vấn thêm cách chăm sóc, tăng sức đề kháng cho vật nuôi” - ông Vũ cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Thải, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ, nhờ sớm phổ biến thông tin, tuyên truyền, vận động, nhận thức về phòng chống dịch bệnh VDNC của người chăn nuôi chuyển biến thấy rõ. Cả hộ có đàn bò bị nhiễm bệnh và hộ có đàn bò chưa bị nhiễm bệnh cũng đều chủ động gọi lực lượng thú y đến tiêm phòng cho vật nuôi. Bệnh này lây lan nhanh nên mọi việc diễn ra khẩn trương. Từ đầu tháng 5 đến nay, lực lượng thú y đã tiêm vắc xin VDNC cho 31.040 con bò, trong đó có 392 con đã nhiễm bệnh. Nhờ người dân chủ động hợp tác nên việc phòng, chống dịch bệnh VDNC ở Phù Mỹ đạt kết quả khả quan, nhiều ổ dịch đã được bao vây, khống chế.
Động thái tương tự cũng diễn ra ở các huyện Phù Cát, Hoài Ân, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn. Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC vẫn là phun thuốc khử độc sát trùng, tiêm vắc xin v à tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Vừa qua, tỉnh đã hỗ trợ thuốc sát trùng và 10.000 liều vắc xin để tiêm phòng phòng, chống dịch bệnh VDNC cho khoảng 10.000 con trâu bò, nhưng số lượng vật nuôi cần phải tiêm phòng lớn hơn gấp nhiều lần so với lượng vắc xin được hỗ trợ, nên người dân phải tự mua vắc xin và trả tiền dịch vụ tiêm phòng, không trông chờ ỷ lại nhà nước. Đến nay, lực lượng thú y ở cơ sở đã tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh VDNC cho 40.000 con trâu, bò, trong đó có 941 con đang bị nhiễm bệnh VDNC. Chuyển biến tích cực này góp phần quan trọng giúp các địa phương khoanh vùng, bao vây dập dịch. Hiện nhiều ổ dịch VDNC tại huyện Phù Cát, Phù Mỹ đã được khống chế.
PHẠM TIẾN SỸ