Tây Sơn tăng cường phòng chống cháy rừng
Toàn huyện Tây Sơn có 12/15 xã thị trấn có rừng, trên 40.000 ha đất lâm nghiệp, Trong đó rừng tự nhiên trên 23.700 ha; rừng trồng trên 10.300 ha. Độ che phủ của rừng đạt 54,91%. Các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trên địa bàn huyện Tây Sơn gồm các xã: Bình Nghi, Bình Tân, Bình Thành, Bình Thuận, Bình Tường, Tây Giang, Tây Thuận, Tây Xuân, Tây Phú, Vĩnh An... là những vùng có diện tích rừng trồng lớn, dễ xảy ra cháy.
Ông Đoàn Minh Bài, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tường cho biết: Xã Bình Tường có hơn 893 ha rừng. Ngay từ đầu năm xã đã triển khai công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); phối hợp với Đài truyền thanh xã tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng; xây dựng phương án PCCCR và kế hoạch bảo vệ rừng. Tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ thuật PCCCR cho các tổ đội ở thôn, chủ rừng và nhân dân trên địa bàn xã. Đặc biệt chúng tôi thường xuyên phối hợp lực lượng tuần tra, kiểm tra, theo dõi để báo cáo cấp độ nguy cơ xảy ra cháy rừng, kịp thời phát hiện không để cháy lan ra diện rộng.
Lực lượng kiểm lâm Tây Sơn tuần tra canh gác lửa rừng.
Mùa khô càng vào cao điểm các đợt tuần tra, theo dõi địa bàn càng dày hơn; những ngày có cảnh báo nguy hiểm lực lượng kiểm lâm thường trực 24/24 giờ, theo dõi sát các diễn biến để kịp thời triển khai ngay việc chữa cháy rừng, không để cháy lan ra diện rộng.
Ông Sử Thành Nhơn, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện cho hay: Cháy rừng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như đốt rẫy, đốt than, đốt rác thải, rà tìm phế liệu, đốt ong… nhưng nguyên nhân cháy rừng do xử lý thực bì mất kiểm soát để cháy lan chiếm tỷ lệ rất lớn. Để phòng chống và hạn chế nguy cơ cháy rừng, bên cạnh việc các lực lượng của Kiểm lâm, chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị chủ rừng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đề cao cảnh giác, thực hiện các phương án canh trực, tuần tra bảo vệ rừng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Cốt lõi của vấn đề bảo vệ rừng là nâng cao nhận thức của người dân. Một việc đơn giản là hạn chế dùng lửa khi đi rừng trong mùa này, khi cần dùng thì phải kiểm soát, dập tắt thật kỹ lưỡng lúc dùng xong. Hoặc trước khi đốt, xử lý thực bì người dân cần phải báo cơ quan Kiểm lâm và chính quyền địa phương biết để có những hướng dẫn về biện pháp phòng cháy thích hợp. Khi có dự báo ở cấp cao cấp cực kỳ nguy hiểm thì phải tạm dừng các hoạt động dùng lửa để đốt dọn thực bì.
Bài, ảnh: MỘC MIÊN