Giúp người yếu thế ổn định cuộc sống
Cùng với việc trao tiền, quà trợ lực người yếu thế vượt khó khăn trước mắt, các hội, nhóm thiện nguyện còn hướng đến việc giúp họ ổn định cuộc sống lâu dài và xác định tâm thế sẵn sàng “sống chung” với dịch bệnh.
Mái nhà để an cư
Khoảng 3 tuần qua, gần 10 căn nhà tình thương, nhà CTĐ đã được khởi công xây dựng và trao tặng cho người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật, mẹ đơn thân không có chỗ ở ổn định hoặc nhà đang ở gần đổ sập. Chiều 1.6, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã khởi công xây dựng căn nhà tình thương cho gia đình cụ Lê Đức Tú, 85 tuổi, ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát. Nhà có 8 người thì 5 người đã cao tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo. Dịch dã làm cho cuộc sống của họ ngày càng héo hắt, đẩy xa tầm với về mong muốn xây, sửa lại căn nhà cũ xập xệ. Theo Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, dự kiến tổng kinh phí xây căn nhà mới tầm 110 triệu đồng, do Hội vận động nhà hảo tâm hỗ trợ tiền và vật liệu xây dựng.
Ngày 26.5, Đoàn công tác của Hội CTĐ tỉnh đã về trao nhà tình thương cho hộ cao tuổi sống đơn thân ở xóm 4, thôn An Vinh 2, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn. Vừa bước qua ngõ, ông Lê Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hội CTĐ tỉnh - đã “ồ” lên một tiếng khi nhìn thấy cây cột bê tông to, cao sừng sững phía bên trái nhà. Ông bảo, hôm đi thẩm định thực trạng nhà để quyết định cấp kinh phí hỗ trợ, ông không dám sờ vào cây cột quặt quẹo ở vị trí này bởi mỗi cơn gió thổi qua cũng làm ông thấy rùng mình, lo lắng cây cột sẽ đổ sập. Vậy nên, ông Phong hiểu cái cảm giác “lâng lâng như đi trên mây” mà chủ hộ Nguyễn Kim Hùng chia sẻ. “Sau các đợt bão lũ năm ngoái, căn nhà của tôi như cái răng rụng. Biết vậy, nhưng không ở đây thì ở đâu. Mỗi đêm, tôi cứ chập chờn, thấy gió rít bên ngoài là sang gõ cửa nhà hàng xóm xin ngủ nhờ. Hàng xóm thương nên đồng ý, riêng tôi thấy rất áy náy, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay”, ông Hùng tâm tình.
Theo cùng những căn nhà mới là niềm vui an cư của những gia đình khó khăn - để người mẹ trẻ mất chồng Nguyễn Thị Thuận (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) có thêm động lực nuôi hai con nhỏ, chị Lương Thị Xuân (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) yên tâm tiếp tục công việc bởi ở nhà người chị gái đáng thương không còn bị ướt do nhà dột những ngày mưa. Họ tính, giờ nhà cửa rộng rãi, thoáng mát rồi, nếu do dịch mà không đến cơ sở làm được thì nhận hàng về nhà làm, thu nhập mỗi ngày cũng đủ tiền gạo, tiền chợ…
Hỗ trợ sinh kế lâu dài
Theo ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp gây ra bao khó khăn, những người khuyết tật cần mưu sinh lại càng muốn có nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống lâu dài mà chung sống với dịch bệnh. Vậy là, từ đầu năm đến nay, nhiều người gửi đơn đến Hội xin xe lăn, xe lắc để đi làm. Hội đã tiếp nhận đơn, rà soát, thẩm định, làm hồ sơ và liên hệ với một vài tổ chức tìm nguồn tài trợ. Và, một lần nữa, Quỹ Từ Thiện Xã hội Tâm Nguyện Việt (TP Hồ Chí Minh) đã đồng ý tài trợ 18 xe lắc và 1 xe lăn đợt này. Sáng 28.5, tại Trường THCS Lê Lợi (TP Quy Nhơn), Hội đã tổ chức trao xe cho bà con.
Sáng 1.6, chị Nguyễn Thị Mai Lệ Hạnh (43 tuổi, chân khập khiễng không đi được) ở Quy Nhơn bắt đầu ngày bán vé số đầu tiên trên chiếc xe lắc mới. Chỉ tầm vài phút sau khi rời nhà, chị đã có mặt ở chợ Đầm - địa bàn buôn bán lâu nay của chị. Chị cười nói, từ giờ, việc đi lại không còn làm chị buồn, chán nữa, bởi chiếc xe cũ dùng mười mấy năm qua cứ trục trặc miết, lần gần nhất đi nhận gạo ở đường Lê Lợi, để bao gạo lên xe xong là cả gạo và người đứng im một chỗ, nhờ người đẩy mà xe cũng không đi. Chị hy vọng trên chiếc xe mới, chị sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, bán được nhiều vé số hơn.
Cả 19 người nhận xe đều có 19 niềm vui chung - riêng. Vui chung là xe đẹp, giúp đi lại dễ dàng, tiện lợi. Vui riêng là mỗi người mỗi nghề, mỗi kế hoạch, mỗi dự tính cho việc mưu sinh. Anh Nguyễn Đặng Phúc, 37 tuổi, bị liệt hai chân, ở huyện Phù Cát làm nghề in thiệp. “Vật tư làm thiệp người ta chở đến giao, khách hàng cũng đến tận nơi đặt rồi đến lấy. Suốt 3 năm qua, tôi dùng chiếc xe lăn bằng gỗ, phải quay bằng hai tay rất nặng nên hầu như chỉ rời nhà lúc cần thiết. Giờ có chiếc xe lắc nhẹ tênh, đẹp đẽ này, tôi sẽ năng ra đường hơn, chuyện trò, giao lưu, tăng cường tiếp thị, hy vọng sẽ tăng thêm thu nhập”, anh Phúc chia sẻ.
Niềm vui hỗ trợ người khuyết tật lạc nghiệp không chỉ dừng lại ở 19 chiếc xe lăn, xe lắc đợt này mà theo Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Nguyễn Tấn Hiểu, sau khi nhận thấy hiệu quả việc hỗ trợ xe cho người khuyết tật, một số tổ chức thiện nguyện, nhà tài trợ đã chủ động nhắn tin cho ông, bày tỏ việc họ sẵn sàng ủng hộ cho Hội trao thêm một vài đợt xe nữa. “Hiện tại, Hội đang thu thập thông tin những người thực sự khó khăn, đang cần xe để mưu sinh, sau đó lập danh sách, làm hồ sơ gửi nhà tài trợ. Ai đang cần, hãy liên hệ ngay với Hội”, ông Hiểu nhắn nhủ.
Bài, ảnh: NGỌC TÚ