Cổ tích của ngoại
Ngoại tôi là người trông trẻ, dường như những đứa trẻ con trong xóm nhỏ này đều lớn lên từ bàn tay và tình thương của ngoại. Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi sống chung với lũ trẻ trong ngôi nhà đơn sơ của ngoại. Vườn của ngoại là khung trời xanh trong và dịu mát, là khu cổ tích đầy hoa thơm trái ngọt: nào mào gà đỏ ửng, nào mười giờ be bé, xinh xinh, nào lục bình tím cả cầu ao; nào trái bưởi đào chua chua, trái ổi chan chát, và bồng bồng ngọt lịm… Mùa quả chín, lũ trẻ chúng tôi cùng giành nhau trèo hái. Những mùa quả đã nuôi lớn tôi. Mùa quả cất giấu những thương yêu của ngoại.
Tôi lớn lên, hồn nhiên chân trần áo rách với những người bạn tuổi thơ. Ngày ấy ngoại còn khỏe mạnh và minh mẫn, một lúc chăm hơn mười đứa. Khu vườn nhà ngoại bởi vậy mà bao giờ cũng rộn rã tiếng cười nghịch ngợm. Những buổi trưa hè nắng gắt, chỉ có khoảng trời của ngoại lúc nào cũng trong lành, mát rượi.
Tôi nhớ nhất vẫn là cổ tích ban trưa của ngoại. Khi những đứa trẻ chẳng chịu ngủ, chúng thường đi kiếm những tàu lá chuối kê xuống đất, túm tụm ngồi vào một góc, say sưa nghe ngoại kể cổ tích. Đôi mắt biếc thơ ngây ngày ấy, chẳng thấm nổi những triết lý nhân sinh ở đời, nhưng trong giấc ngủ vẫn thấp thoáng bóng cô Tấm dịu hiền và thảo thơm bước ra từ quả thị, chàng Sọ Dừa lăn lông lốc, bỗng hóa thành chàng trai khôi ngô tuấn tú, hay chàng Thạch Sanh tốt bụng…
Có những buổi chiều, lũ chúng tôi mỗi đứa một vai, đóng các nhân vật trong truyện cổ tích của ngoại. Lớn lên tôi mới biết, cổ tích ngày xưa ngoại né giấu đi bao điều, những chuyện thiện - ác, rồng phượng và rắn rết, thiên thần và ác quỷ, có bao giờ thấy ngoại nhắc đến. Cổ tích của ngoại luôn gieo vào tâm hồn trẻ thơ những hình ảnh đẹp đẽ và kỳ diệu nhất. Và rồi, đã có lúc ngoại hóa thành cổ tích, ngoại hiện thân cho người bà đôn hậu trong truyện cổ Andersen. Cổ tích của ngoại hóa thành luồng gió mát lành ru lũ trẻ một giấc trưa. Cổ tích ấp ủ trong tôi những thiên đường mộng ước. Cổ tích dịu hiền như mẹ chở che và bao bọc những đôi mắt biếc vô ưu.
Giờ đây, chẳng thể nào quay trở lại với tuổi thơ. Những đứa trẻ ngày xưa đã lớn, mắt nhìn rộng và sâu hơn vào cổ tích ban trưa. Lớn rồi, nên cổ tích cũng trôi đi. Bởi những chật vật đời thường, bởi bụi bặm lo toan rất đời, rất thực cuốn ta xa mãi. Cổ tích đã chết. Ông Ba Bị, ông Ngáo Ộp, con Thuồng Luồng chết. Cô Tấm hóa hư vô. Vầng Trăng cũng thôi đuổi theo ta... Lớn lên rồi mới thèm lắm khoảng trời của ngoại, thèm lắm cổ tích trong veo ngày xưa...
DƯƠNG HẰNG