TÌM GIẢI PHÁP TIÊU THỤ NÔNG SẢN TRONG MÙA DỊCH COVID-19:
Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
(BĐ) - Sáng 3.6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có lãnh đạo Sở NN&PTNT, đại diện lãnh đạo các chi cục trực thuộc Sở, cùng một số DN lớn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Văn Hùng phát biểu, trình bày thực trạng, giải pháp, đề xuất của Bình Định tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: THU DỊU
Trên cả nước, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng. Đối với tỉnh Bình Định, hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Về chăn nuôi, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm của tỉnh đều giảm sút, các sản phẩm chủ lực ngắn ngày như gia cầm và heo thịt bị tồn đọng, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao. Hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản đang gặp khó do nguyên liệu đầu vào không ổn định; 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh ước đạt 34,4 triệu USD, có tăng do các công ty xuất khẩu trên địa bàn chủ động thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, đến nay, bộ, ngành Trung ương chưa có một chính sách cụ thể nào liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ cho nông dân. Trước tình hình đó, tỉnh Bình Định chủ động thực hiện các giải pháp: Theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng các phương án ứng phó trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản thực phẩm khi có dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất điều chỉnh theo yêu cầu thị trường; phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất phù hợp, tạo điều kiện lưu thông nông sản nội địa trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diến biến phức tạp; phối hợp với Sở Công Thương trong công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để đưa nông sản xuất khẩu. Với các loại nông sản như ớt, hành, đang rớt giá, ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn người dân phơi khô, bảo quản; triển khai cấp mã số vùng trồng trọt, mã số cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh…
Các địa phương trong cả nước, đại diện lãnh đạo các ngành trực thuộc Bộ NN&PTNT, hiệp hội ngành hàng cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể trong thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa dịch. Theo đó, trọng tâm vẫn là xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hợp lý; tăng năng suất, chất lượng cho nông sản Việt, hình thành các chuỗi cung ứng lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Để tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp cần thể hiện vai trò, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong thực hiện các giải pháp. Sở NN&PTNT phải thiết lập kế hoạch sản xuất từ đầu vụ, kế hoạch tiêu thụ nông sản cuối vụ; hình thành các vùng an toàn trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng được quy trình hợp chuẩn, hình thành các chuỗi cung ứng. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, bởi tư duy kinh tế là tư duy thị trường đáp ứng được bài toán tiêu thụ nông sản.
THU DỊU