Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2021)
Hành trình thực hiện khát vọng cứu nước cứu dân
Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập cho dân tộc đều lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của nhân dân ta lâm vào khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Tất Thành sớm hun đúc hoài bão cứu nước cứu dân.
Bình Định - một đoạn hành trình
Năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế, thời gian đầu học trường Pháp - Việt, sau học trường Quốc học Huế. Khoảng trung tuần tháng 5.1909, Nguyễn Tất Thành vào Bình Định và khoảng tháng 8.1910 rời Bình Định đi vào Phan Thiết (Bình Thuận) làm giáo viên trường Dục Thanh. Đến tháng 2.1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn. Như vậy, trên hành trình tìm đường cứu nước, Bác đã có hơn một năm sống tại Bình Định để chuẩn bị hành trang trước khi xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (tháng 12.1920). Ảnh tư liệu
Cũng như Nghệ An, Huế, Phan Thiết… thời gian ở Bình Định rất có ý nghĩa đối với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Người đã đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” lắng đọng nhiều tinh hoa văn hóa, vang dội nhiều chiến công của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến những ngày đen tối của người dân Bình Định cùng với cả nước trong cảnh mất nước; chứng kiến tinh thần quật cường, quả cảm của những người giàu lòng yêu nước. Mảnh đất Bình Định đau thương nhưng rất kiên trung này là nơi ba cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sống những ngày sum họp cuối cùng, là nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử giữa hai cha con Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành. Từ đó, Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc trường chinh vạn dặm đầy gian khổ tìm đường cứu nước cứu dân.
Bình Định rất tự hào được người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng sinh sống và học tập. Tuy thời gian không dài nhưng vùng đất và con người Bình Định đã ghi dấu ấn quan trọng, góp phần hình thành nên tư tưởng, ý chí cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành.
Tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc
Ngày 5.6.1911, với tên gọi là Văn Ba, Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Latouche Treville rời bến cảng Nhà Rồng của TP Sài Gòn đi Marseille (Pháp). Gần mười năm, vừa lao động kiếm sống vừa khảo sát thực tiễn nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa, khảo sát các cuộc cách mạng ở các nước Pháp, Anh, Mỹ…, Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức quan trọng: Cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng là những cuộc cách mạng chưa đến nơi. Cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Từ đó, Người đi đến kết luận: Chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi theo con đường cách mạng này.
Sống hòa mình cùng nhân dân lao động và phong trào đấu tranh của công nhân Pháp, Nguyễn Tất Thành say sưa hoạt động cách mạng, viết báo, hội họp, tuyên truyền, cổ động. Năm 1917, Người tham gia hoạt động trong phong trào của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Ngày 18.6.1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Versaille (Pháp) yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam.
Sau nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm con đường cứu nước, tháng 7.1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất mới của thời đại mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…
Sau khi tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
Ngày 3.2.1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam; là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc. Ngày 28.1.1941, Người vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, kết thúc chặng đường dài 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đầy khó khăn, hiểm nguy của Người ở nước ngoài, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.
QUANG LỢI