Tưng bừng lễ hội Đống Đa
Ngày 3 và 4.2 (tức mùng 4 - 5 Tết Giáp Ngọ), tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2014). Lễ hội đã góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, tạo không khí vui xuân tưng bừng, náo nức với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Trong diễn văn đọc tại lễ mít tinh kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc nhấn mạnh: “Cuộc hành binh thần tốc của Hoàng đế Quang Trung và chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 đã thành khúc ca khải hoàn, ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong niềm tự hào chung của nhân dân cả nước, nhân dân Bình Định có quyền tự hào là mảnh đất cội nguồn, là nơi ba anh em Tây Sơn được sinh ra, được nuôi dưỡng với dòng sữa mẹ và khí thiêng sông núi quê nhà…Tinh thần của phong trào Tây Sơn và chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa mãi mãi tiếp sức cho thế hệ mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta nguyện tiếp tục hoàn thành ước nguyện của cha ông, đó là quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp…”.
Chương trình nghệ thuật “Chiến thắng Đống Đa- Bản hùng ca bất diệt”.
Chiến thắng Đống Đa- Bản hùng ca bất diệt
Sau tiếng trống khai hội của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc, đông đảo người dự lễ đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc “Chiến thắng Đống Đa- Bản hùng ca bất diệt” gồm ba chương, với sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, VĐV, võ sĩ của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Nhà hát tuồng Đào Tấn, Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định, cán bộ và cộng tác viên Trung tâm Văn hóa tỉnh, đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung…
Trong chương đầu tiên “Dựng cờ khởi nghĩa”, người xem được dẫn dắt trở về bối cảnh lịch sử thế kỷ XVIII, thời điểm đất nước ta có nhiều biến loạn…Năm 1771, trước sự thống khổ của nhân dân, ba anh em nông dân ở ấp Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã bí mật xây dựng căn cứ địa vững chắc trên vùng đất An Khê thượng đạo, phất cờ khởi nghĩa, dẹp tan những cuộc xâu xé của các tập đoàn phong kiến… Chương hai “Đại thắng quân Thanh- Giải phóng Thăng Long” tạo nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Trong tiếng trống trận Tây Sơn hào hùng, cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung được tái hiện trên sân khấu trong “âm vang lịch sử” vọng về “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Cuộc hành binh thần tốc đập tan 29 vạn quân Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long đã được dàn dựng sân khấu hóa kết hợp nghệ thuật biểu diễn quảng trường, với những màn múa đẹp, đấu võ, đồng diễn võ thuật Tây Sơn- Bình Định đẹp mắt.
Trong đoạn cuối thể hiện chủ đề “Xây dựng đất nước” của chương hai, hình ảnh vị vua Quang Trung anh minh, biết trọng dụng người tài cũng đã được khắc họa ở “Chiếu cầu hiền”- thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng trước “vấn đề thời sự” rất quan trọng dù ở bất kỳ thời đại nào: “Vậy ban chiếu xuống, quan liêu lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều được phép dâng thư tỏ bày công việc, lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chớ không ai bắt tội vu khoát, những người có tài nghệ gì có thể dùng được cho đời, thì cho các quan văn võ tiến cử, lại cho dẫn đến yết hiện, tùy tài mà bổ dụng…”.
Chương cuối với chủ đề “Tiếp bước truyền thống oai hùng - Bình Định tự hào đi lên” đã góp phần khẳng định người dân Bình Định hôm nay luôn phát huy “hào khí Tây Sơn” ra sức dựng xây quê hương, cùng cả nước vững bước đi tới tương lai tươi sáng…
Đông đảo người xem chương trình Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào sáng mùng 5 Tết Giáp Ngọ.
Đậm sắc màu văn hóa truyền thống
Trong Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa, đã có nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Bình Định phục vụ người dân vui xuân, như các vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, biểu diễn võ thuật của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định và đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung, diễn tấu cồng chiêng của đồng bào Bana xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, tại nhà rông Bảo tàng Quang Trung, các trò chơi dân gian…
Trong các ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Giáp Ngọ, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức Hội đánh bài chòi cổ và mời nhiều nghệ nhân giỏi ở Phù Cát, Tuy Phước, Quy Nhơn cùng tham gia làm hiệu phục vụ liên tục nhu cầu của người chơi tại Bảo tàng Quang Trung. Tranh thủ lúc giải lao, nghệ sĩ Lâm Tới (tên thật Trần Văn Tới, nguyên Trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định), vui vẻ cho biết: “Sáng mùng 5 Tết, người dân đứng chật kín quanh các chòi chờ đến lượt lên chơi đến tận 11giờ 30. Tôi và các hiệu khác đều đã khàn tiếng nhưng tinh thần rất phấn chấn trước sự nhiệt tình hâm mộ của người dân và du khách”. Tìm đến Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Bảo tàng Quang Trung vào lúc 5 giờ chiều mùng 5 Tết, vẫn thấy đông người chờ đợi “thượng chòi” tận hưởng cảm giác tươi vui rộn ràng ngày xuân.
Góp thêm sắc màu văn hóa truyền thống trong lễ hội Đống Đa năm nay là Hội thi làm bánh in và hát dân ca tại Bảo tàng Quang Trung vào chiều mùng 5 Tết. Hội LHPN 15 xã, thị trấn huyện Tây Sơn đều cử những đại diện “khéo tay, hát hay” tham gia, tạo nên chất lượng đồng đều cho Hội thi. Ngoài lượng “người hâm mộ” đến cổ vũ cho các đơn vị, nhiều du khách về tham quan Bảo tàng Quang Trung đã bày tỏ sự thích thú, chụp hình ghi lại những bàn tiệc đẹp mắt. Giải nhất phần thi làm bánh in đã được trao cho xã Tây Giang… Phần thi hát dân ca cũng lôi cuốn người xem với nhiều giọng ca không chuyên ngọt ngào. Thí sinh Nguyễn Thị Đào (xã Tây An) đã chinh phục người nghe với bài Lý Vãi chài và đoạt giải Nhất.
Tự hào tiếp nối niềm vui
Sau nhiều năm liên tục tuyên truyền về lễ hội Đống Đa, chúng tôi đều có chung cảm nhận, lý do quan trọng nhất lôi cuốn đông đảo người dân đến với lễ hội xuất phát từ lòng kính ngưỡng với Hoàng đế Quang Trung và binh tướng Tây Sơn. Bà Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: Sáng mùng 5 Tết, lượng khách đổ về tham quan đông nghẹt, mọi người đã ngồi kín không gian sân vườn rộng lớn của bảo tàng, ước tính lượng khách đông gần gấp đôi so với năm ngoái với khoảng 70-80.000 lượt khách.
Đến bảo tàng vào dịp này, chúng tôi luôn gặp rất nhiều gia đình dẫn con, cháu, trong đó có những bé còn rất nhỏ đến tham quan. Nhiều bạn trẻ kính cẩn dâng hương trong Điện thờ Tây Sơn tam kiệt và Văn thần Võ tướng, đã bàn tán sôi nổi về những trận đánh, hiện vật lịch sử trong khu trưng bày. Bà Lê Ngọc Huyền, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, cho biết: “Mấy năm gần đây, vợ chồng tôi và hai con nhỏ luôn đến Bảo tàng Quang Trung vào sáng mùng 5 Tết. Ngoài việc được cảm nhận không khí đông vui, tưng bừng mang tính đặc trưng không đâu có được, chúng tôi còn muốn bồi đắp cho con mình những kiến thức lịch sử, ý thức tự hào về truyền thống đánh giặc, giữ nước hào hùng của cha ông”.
Lễ hội Đống Đa đã, đang và sẽ là nơi hội tụ lòng tự hào dân tộc, nơi kết nối những niềm vui của người dân Bình Định và du khách khắp mọi miền khi về với đất Võ ngày xuân.
HOÀI THU