Gian nan trực Tết bệnh viện
Từ đầu đợt nghỉ Tết Giáp Ngọ đến ngày 5.2, 18 cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh đã khám cấp cứu cho 3.559 lượt bệnh nhân, trong đó có 3.096 người nhập viện điều trị nội trú. Vất vả, áp lực nhất phải kể đến những người trực ở khu cấp cứu và hệ ngoại.
Phòng hồi sức thần kinh, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, BVĐK tỉnh là nơi điều trị cho những bệnh nhân nguy kịch. “Ở đây, lằn ranh sinh - tử xem chừng mỏng manh lắm, nên công việc của những người điều dưỡng rất nặng nề. Cứ nửa tiếng hút đờm 1 lần, mỗi ngày 5 lần bơm thức ăn, rồi thay băng, kiểm tra máy thở… quẩn quanh liên tục đến hết ca”, điều dưỡng Đặng Văn Minh tâm sự.
Anh Minh đã gắn bó với phòng hồi sức thần kinh hơn 10 năm nay. Và, cũng từng ấy năm anh đón Tết ở bệnh viện. Năm nay, mỗi điều dưỡng ở đây chỉ có 4 ngày nghỉ Tết. Mỗi ca trực có 4 điều dưỡng, quán xuyến 14 giường trong bệnh phòng và 2 băng ca tăng cường để tiếp nhận bệnh nhân mới. Lúc cao điểm phải huy động nhân lực ở các phòng khác sang “ứng cứu”. Sau một ngày đêm ròng rã với ca trực căng thẳng, ai cũng cần nghỉ ngơi cho lại sức, nên thời gian dành cho gia đình theo đó cũng rất ít ỏi. Mà, ngày nghỉ cũng không được tắt điện thoại, phòng khi có điều động trong trường hợp xảy ra tai nạn gây thương vong hàng loạt.
Ngày Tết, lượng bệnh nhân tăng cao, các y bác sĩ phải đối mặt với áp lực công việc lớn. Ca trực kết thúc lúc 7 giờ sáng mùng 3 Tết, nhưng đến hơn 9 giờ, bác sĩ Võ Công Đồng, Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK khu vực Bồng Sơn, vẫn chưa thể rời bệnh viện. Cả đêm loay hoay với 36 bệnh nhân, hết ca trực, bác sĩ Đồng mới có thời gian hoàn thành bệnh án. Đồng thời, bàn giao, lưu ý kỹ những ca bệnh nặng với người trực sau.
“Mệt nhọc chỉ là chuyện thường, chúng tôi còn gặp nhiều trường hợp oái ăm. Có đám đánh nhau, nạn nhân được đưa vào cấp cứu. Bác sĩ vừa đến khám đã bị “phe” bên kia dọa giết. Ca trực vừa rồi của tôi có một thanh niên bị đa chấn thương, trong đó có vết thương lóc phần mềm của hàm dưới. Trong cơn say, bệnh nhân cứ phun phì phì vào mặt bác sĩ nào là máu lẫn “chất thải”. Kết quả chụp CT-scanner vùng đầu không có gì nguy hiểm đến tính mạng, chúng tôi phải cho băng ép cầm máu, đợi bệnh nhân tỉnh mới xử trí tiếp được”, bác sĩ Đồng kể.
Tết đến, ai cũng có cớ để “vui một tí”. Nhưng, giá như, ai cũng biết đâu là điểm dừng thì sẽ không làm phiền đến người khác, không gây quá tải bệnh viện, không để lại nỗi đau dai dẳng cho người thân…
NGUYỄN HOÀNG