Chỉ tuyên truyền, vận động để người dân tham gia bầu cử
Gửi thư tới Báo Bình Định, ông Huỳnh Văn Hoa, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, hỏi: Ngày 25.5.2021 vừa qua là ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ngày hội của dân tộc có ý nghĩa chính trị trọng đại của đất nước. Nhưng ở khu phố 10, phường Hải Cảng có cử tri không đi bầu cử, thực hiện quyền công dân. Cụ thể, vào lúc 16 giờ 45 phút cùng ngày thành viên của Tổ bầu cử khu phố đến tận nhà mời trực tiếp cử tri cuối cùng đi bầu cử. Và cuối ngày người này vẫn không đi bầu cử. Như vậy trường hợp này có vi phạm pháp luật không?
Bầu cử là quyền công dân được quy định tại Hiến pháp 2013 của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - đạo luật cơ bản nhất của Nhà nước. Cụ thể, theo Điều 27: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
Quy định này một lần nữa được khẳng định tại Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND 2015: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của Luật này.
Hai văn bản này đều nhắc đến bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, Điều 15 Hiến pháp 2013 quy định: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
Như vậy, dù là quyền nhưng công dân cũng cần thực hiện quyền này đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.
Tuy vậy, hiện nay trong các văn bản xử phạt vi phạm hành chính, không ghi nhận quy định xử phạt đối với người đủ điều kiện bầu cử không tham gia bầu cử.
Các cơ quan Nhà nước mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để người dân nâng cao ý thức, tham gia bầu cử. Đây cũng là cơ hội để người dân lựa chọn ra những người “có đức, có tài”, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình, thay mặt mình tham gia vào hệ thống chính trị…
B.B.Đ