Bún tôm, bún rạm Phù Mỹ
Bún tôm, bún rạm Phù Mỹ từ lâu đã là món ăn dân dã, chinh phục được nhiều người nhờ chất “mộc”, ít dầu, ít mỡ và gia vị mà vẫn ngọt thơm, nồng nàn.
Muốn bún tôm, bún rạm đúng vị Phù Mỹ, bún phải được chế biến, ép và luộc trực tiếp ngay tại quán. Chẳng những vậy sợi bún còn phải thật nhỏ, khách ăn đến đâu ép bún đến đó. Ngon dở tính sau nhưng rõ ràng nom rất thích mắt nhất là với những bạn khách đường xa.
Bún rạm chế biến theo kiểu tươi, nước rạm có màu vàng.
Bún tôm, bún rạm khác nhau ở chỗ bún tôm dùng luôn nước gạo luộc bún để làm chín tôm đồng đã được giã nhuyễn cùng muối hạt. Bún tôm ngon nhờ vào vị ngọt của tôm tươi. Thực khách có thể điều chỉnh độ mặn, ngọt nhờ chén muối ớt ý nhị bày sẵn trên bàn. Tương tự thành phần chính của bún rạm là con rạm hoặc cua đồng. Cua, rạm làm sạch, giã nhuyễn, lọc lấy nước đoạn phi thơm hành, nấu lên để lấy nước riêu tươi. Một vài nơi chế biến theo kiểu “lưng chừng” bằng cách ủ nước cua, rạm thêm một chút để đạt đến độ cần thiết, tạo hương vị riêng cho món bún cua, rạm. Cái khó của kiểu này là nếu để chua quá sẽ thành “mắm cua”. Nhưng nếu chưa tới sẽ còn vị tanh, không dậy mùi thơm, thiếu đậm đà, không ngọt và tròn vị béo.
Bún tôm.
Các quán bún tôm, bún rạm ở Phù Mỹ không bày kèm rau, xoài, hoặc đậu phụng rang chín như biến tấu ở một số nơi khác. Nó phải “mộc” để buộc người nấu bún phải làm sao để đủ độ ngon ngọt, phải dậy lên hương vị nồng nàn. Chính cái sự “mộc” giúp phô diễn tinh túy món ăn.
Công phu thế nhưng mỗi tô bún chỉ có giá chừng 8.000 - 10.000 đồng, đủ ngon để thực khách không thể kiềm lòng mình gọi thêm tô nữa. Vị ngọt của nước gạo luộc bún, hơi sệt nóng hổi quyện với vị ngọt thanh đạm của tôm tươi, vài miếng bánh tráng nướng giòn thơm, thêm vị cay của ớt, tiêu, hành. Ăn xong chỉ có thể hít hà, xuýt xoa.
Bài, ảnh: MỘC MIÊN