CHÙA THẬP THÁP TRONG MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN:
Một ngôi chùa cổ duyên dáng
Chùa Thập Tháp nằm ở khu vực Vạn Thạnh, phường Nhơn Thành, TX An Nhơn. Thập Tháp được xem là ngôi tổ đình danh tiếng, có ảnh hưởng đến lịch sử truyền bá Phật giáo ở miền Trung. Hiện nay, trong khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới còn lưu giữ được khá nhiều bản khắc ghi chép về ngôi chùa cổ Thập Tháp.
Chùa Thập Tháp. Ảnh: VnE
Chùa Thập Tháp được xây dựng vào năm Ất Tỵ (1665), bởi Hòa thượng Nguyên Thiều, người Quảng Đông, Trung Quốc. Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 6, mặt khắc 23 có ghi về sự kiện này như sau: “Tạ Nguyên Thiều: Tên tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Năm 19 tuổi, xuất gia, đến ở chùa Báo Tự, là môn đệ của Khoáng Viên hòa thượng. Thái Tông Hoàng đế, năm Ất Tỵ (1665), Nguyên Thiều theo thuyền buôn sang Nam, cắm tích trượng ở phủ Quy Ninh, dựng chùa Thập Tháp Di Đà, mở rộng Pháp môn…”.
Như vậy, theo Mộc bản triều Nguyễn, tính đến nay chùa Thập Tháp đã có gần 400 năm tuổi. Đây được xem là một trong những ngôi chùa xưa nhất ở miền Trung. Sở dĩ, chùa có tên là Thập Tháp bởi phía sau chùa có 10 ngọn tháp Chiêm Thành, sau bị sụp đổ và trong chùa còn có một bộ liễn đối do vua Lê Hiển Tông ban tặng. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 27 có ghi về chùa Thập Tháp rằng: “Chùa Thập Tháp: Ở thôn Thuận Chính, huyện Tuy Viễn, vì phía sau chùa có 10 ngọn tháp Chiêm Thành nên gọi tên thế, những tháp ấy nay đã đổ nát. Bản triều, thời Thái Tông, Hòa thượng Hoán Bích dựng. Thời Hiển Tông ban cho biển ngạch đề “Thập Tháp Di đà tự” và một bộ liễn đối rằng: Phật tính đoàn viên, trạm nhược hư không, mạc cảm trắc kỳ biên tế; Pháp thân vô tướng, bỉnh như tuệ nhật, thục năng nghĩ kỳ cao minh. (Tạm dịch: Phật tính tròn đầy, trong trẻo tựa hư không, khó lường được giới mốc; Pháp thân vô tướng, sáng như mặt trời hiện, đâu dám chuyện nghĩ bàn)…”.
Chùa Thập Tháp ngày nay mang dang dấp kiến trúc nghệ thuật của triều Nguyễn, xây bằng gạch Chăm, lợp ngói âm dương, ba gian, hai chái, kiến trúc theo hình chữ khẩu. Khu vực chính của chùa gồm có khu chính điện, khu phương trượng, khu Tây đường và Đông đường. Có dãy hành lang rộng lớn nối liền, bao bọc một sân rộng, có lát gạch vuông. Ngoài những công trình chính, bên cạnh chùa còn có 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc nhiều thời khác nhau. Trước chùa còn có ao sen rộng, xây bằng đá ong xưa.
Dưới triều Nguyễn, vào năm Canh Thìn (1820), niên hiệu Minh Mạng thứ nhất, sư chùa Thiên Mụ là Hòa thượng Mật Hoằng đã trùng tu chùa Thập Tháp. Đến ngày mồng 1 tháng 4 năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi đã thưởng cấp độ điệp tăng cương cho chùa Thập Tháp. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ ngũ kỷ, quyển 7, mặt khắc 22, 23 còn ghi như sau: “Thưởng cấp độ điệp tăng cương cho chùa Thập Tháp, tỉnh Bình Định. Các chùa chung có lệ tuyển cử tăng cương, chiểu cấp độ điệp một đạo, dùng giấy kỳ lân, bốn chung quanh vẽ mây leo bằng mực, sau niên hiệu dùng ấn kiềm bộ Lễ. Trụ trì sư chùa ấy là Trần Văn Lý trước đã quyên bạc thóc, trị thành tiền 1.700 quan. Chuẩn thưởng cho cái bài vàng có chữ “hiếu nghĩa”. Lần này, việc cứu chữa ở tỉnh rất khẩn, lại quyên tiền 800 quan, chuẩn cho độ điệp một đạo, cho ở chùa ấy chuyên nghiệp”.
Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 6, mặt khắc 23 ghi chép về Cao tăng Tạ Nguyên Thiều với việc xây dựng chùa Thập Tháp, năm Ất Tỵ (1665). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đến nay chùa Thập Tháp đã được trùng tu nhiều lần nhưng nay vẫn bảo lưu được những đường nét kiến trúc, điêu khắc mỹ thuật của giai đoạn đầu triều Nguyễn. Ngôi cổ tự này hàng năm đón tiếp hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Năm 1990, chùa Thập Tháp Di Đà được Bộ VH-TT công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.
CAO THỊ QUANG