Trên cánh đồng nhớ
Tạp bút của TRẦN THỊ HUYỀN TRANG
Hôm rằm tháng tư âm lịch, nguyệt thực. Báo chí đưa dự báo từ mấy ngày trước về siêu trăng. Sáng sớm ra biển, thấy siêu mây muốn nuốt mặt trời, nhưng mặt trời vùng vẫy quá, mây không nuốt nổi. Chiều tối, trên biển hiện dần một cánh tay trăng ôm một quả cầu tròn vọt lên khỏi làn nước bạc, kiên nhẫn neo giữa vũ trụ mịt mờ thăm thẳm, chờ qua cơn hờn dỗi lấn lướt của trái đất. Cánh tay trăng gợi lên một bảo bọc yêu thương, khiến tôi nhớ đôi tay gầy guộc của bà ngoại vẫn che chở cho tôi suốt thời thơ ấu. Nếu bà ngoại tôi còn sống, bà sẽ không cho nhìn các hiện tượng dị thường như vậy, đơn giản chỉ là bảo vệ đứa cháu non nớt của bà trước mọi nguy cơ, nhất là những điều siêu hình mà thế hệ bà chưa lý giải được.
Tuổi thơ của tôi đẹp lạ lùng dưới bóng mát từ bà ngoại. Bà là người dắt tay tôi đến trường học vỡ lòng, rồi lén nấp sau cửa lớp, nhong nhóng xem tôi có bị đứa nào bắt nạt hay bị thầy đánh không. Nhưng mà điều ấy không xảy ra trước mắt bà. Lũ bạn tôi đủ khôn ngoan đợi bà về hẳn mới lục cặp tôi giành kẹo, và kết quả là chúng nó bị thầy phạt để tôi về líu lo ngoại ơi cả lớp hư, một mình con không hư. Bà là người không cho mẹ và các cậu nhổ răng sâu của tôi vì sợ đau cháu cưng của bà, nhưng cũng là người dặn dò rất kỹ nếu răng bị gãy, phải giữ đưa cho ngoại để ngoại làm phép đổi răng mới cho con không bị sún. Một hôm tôi giãy nảy không ăn sáng, thế là được ngoại mua cho ổ bánh mì giòn rụm trước khi vào lớp. Tôi vừa đưa ổ bánh lên, phụp phụp, hai cái răng cửa bật gốc. Nghe tiếng tôi kêu khóc, ngoại hớt hải chạy lại bế tôi lên, xin phép thầy cho tôi nghỉ buổi học. Một tay ôm tôi, tay kia ngoại hứng hai cái răng sữa của tôi như báu vật. Về nhà, rửa mặt thay áo cho tôi xong, ngoại dắt tôi rón rén vào buồng, lom khom ném cái răng hàm trên vào gậm giường, rồi lại dắt ra ngoài sân, bắc ghế ném cái răng hàm dưới lên máng xối. Mỗi lần ném ngoại đọc và bắt tôi đọc theo: “Hú mèo hú chuột, răng cũ về mày răng mới về tao!”. Lúc dạy tôi ném răng, đọc chú, mặt ngoại nghiêm trang, tin cẩn và đầy huyền bí!
Có lẽ nhờ thuật đổi răng đủ và đúng bài bản mà răng tôi không bù xỉ như răng chị Hai chị Ba và vì vậy nên tôi không có răng khểnh duyên duyên như hai chị. Ngoại nói không duyên cũng được, không ai lấy thì ở với ngoại, được ngoại bênh là nhất trần đời!
Tác phẩm “Khoảng sân trước nhà”. Tranh của họa sĩ TRẦN NGUYÊN
Nhưng bà ngoại không thể ở mãi với tôi như đã hứa. Trước khi rời xa, bà đã kịp gieo lên cánh đồng nhớ những mùa vô tận. Ở đó có ngọn gió hiu hiu theo cánh võng và lời ru ám ảnh. Khi là nỗi luyến lưu không dứt của một tấm lòng thiết tha trao gửi: “Mai chàng về thiếp biết lấy gì đưa/ Lạy trời trăm lạy đừng mưa trơn đàng”, khi là lời đối đáp hài hước và có phần đáo để với trang lứa trẻ trai nghịch ngợm: “Con cá rô nó chúi xuống bùn/ Chớ tao có chọc ghẹo chi mày bớ lùn là lùn quơi!”... Tôi đã từng thiếp ngủ trong những lời ru ấy, đầu gối lên cánh tay của ngoại, hít thở mùi thơm có một không hai cả đời không gặp lại, mà chị em tôi gọi là mùi của thiên đường.
Thuở sinh thời, ngoại tôi hay giúp người hoạn nạn nên được rất nhiều người hàm ơn và quý mến. Sau khi ngoại mất, không ít lần người xa ghé lại nhà tôi uống trà buổi xế, hỏi thăm “bà tiên tóc bạc”, rồi xin phép vào thắp cho bà cây nhang với nỗi nhớ tiếc ngậm ngùi.
Trên cánh đồng nhớ ngoại tôi dành lại cho tôi, có những hương vị không phải từ cây trái, mà từ những câu chuyện cổ tích thầm thì, từ muôn vàn hồi ức làng quê tít tắp, từ mấy con tò he xanh đỏ, từ những trã mắm quẹt, cá kho cân cả nắng mưa xứ sở. Cậu Tám tôi, người con út ly hương của ngoại, đã từng đứng bên một vạt hoa nghệ nhà người khóc ròng vì loài cây gợi nhớ món cá hố kho nghệ của mẹ già.
Bao nhiêu món ăn học từ ngoại, cả đời tôi thấm thía. Trưa hôm qua ăn chay, luộc măng, xả nước, trộn xíu dầu, đậu phụng rang, muối, tiêu, sả, rau thơm, như món chay ngoại từng làm. Xế nhẩn nha ướp cá sơn cát với hành, ớt, tiêu, mắm để săn lại chiều kho cùng thịt mỡ. Sáng sớm hâm cá ăn cơm nguội, thơm quá là thơm, tự nhiên nhớ người của thiên đường, tự nhiên chảy nước mắt. Ngoại ơi!