Chăm lo cho người cao tuổi khó khăn
Theo chân chị em phụ nữ xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn) cùng nhà tài trợ một chiều cuối tháng 5 đến thăm một số người cao tuổi neo đơn, bệnh tật, điều đầu tiên tôi cảm nhận được là những người cao tuổi mừng đón họ như cha mẹ già đón con ở xa về vậy. Cụ bà Phạm Thị Sen 83 tuổi ở thôn Quan Quang bị tai biến từ năm ngoái đang lắc đầu nguầy nguậy từ chối muỗng cháo từ tay người chồng là cụ ông Bùi Văn, 87 tuổi, vì “không muốn ăn nữa”. Vậy mà khi chị Đinh Thị Thúy Diễm - người cùng xã nhưng khác thôn, thường xuyên đến thăm và tặng quà cho đôi vợ chồng già này - động viên ráng ăn thêm chút cho khỏe người là cụ Sen há to miệng nuốt ngay muỗng cháo chị đưa. Ăn xong chén cháo, mặt cụ Sen dần hồng hào, nhoẻn miệng nhìn chị Diễm cười, nhe hàm răng trống huơ trống hoắc. Bỗng chị Diễm chau mày: Móng tay má dài quá rồi nè! Với lấy cái bấm như đang ở nhà, chị cẩn thận từng chút một trong sự nhõng nhẻo của cụ Sen, bấm sạch những chỗ móng dài vì “sợ má quào xước da”.
Trao quà cho hai mẹ con bà Liên.
Đi tiếp đến một hộ nữa ở thôn An Hòa, gọi miết đến khản cổ mà cô con gái bị nhiễm chất độc da cam tên Nguyễn Thị Mót (44 tuổi) của cụ bà Nguyễn Thị Hồng Liên, 85 tuổi, không chịu ra mở mà cũng không cho bà mở. Thấy vậy, chị Đoàn Thị Xuân Nữ, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Khánh, liền đổi giọng: Nhớ chị hông nè, chị có đuôi tóc đen dài, hôm trước cho bánh em đấy, mở ra chị vô cho bánh ăn nữa nhé. Vậy là rầm một cái, cánh cửa lỏng lẻo mở toang. Chị Nữ bước vào trong, thoáng chau mày, quay sang Mót trách yêu: Hôm trước chị đã dọn sạch rồi, giờ xả ra gì tùm lum vầy. Mót vội chạy vô phòng trong trốn. Chị Nữ kể, cô con gái tâm thần có sở thích đi lấy rác về chất đống trong nhà và lối ra vào. Chị Nữ thi thoảng vận động chị em đến dọn dẹp sạch sẽ. Rồi vài ba ngày, chị lại đến, lại dọn.
Những người cao tuổi neo đơn, bệnh tật đón nhận những phần quà từ chị Nữ, chị Diễm mặt cứ hớn hở như “đứa trẻ lên ba”. Hai chị bảo, cả xã có tầm 10 người cao tuổi neo đơn, khó khăn, bệnh tật. “Chúng tôi bận bịu cỡ nào chứ tầm vài ngày là phải lần lượt ghé xem họ đã ăn hết gạo chưa, có ai nóng sốt, mỏi mình hay cần sữa, bánh gì không. Rồi mỗi khi có nhà tài trợ phát tâm, lại nghĩ ngay đến họ. Tại sao ư? Có lẽ do chúng tôi thấy họ đáng thương, mường tượng đến lúc mình già yếu, đau nằm một chỗ như vậy. Những lúc đó, ai đến thăm, ai cho vài chục nghìn đồng thì vui đến cỡ nào. Nghĩ vậy mà lại muốn chạy đến bên họ”, hai chị tâm tình.
Bài, ảnh: NGỌC NGA