Tái cơ cấu, chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Ðể thích nghi trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp tỉnh hướng đến đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng các vùng an toàn trong sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.
Nhiều khó khăn do dịch Covid-19
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản của tỉnh nói chung và xuất khẩu nói riêng, trong đó chịu tác động lớn nhất là chăn nuôi và chế biến nông lâm thủy sản xuất khẩu.
Chế biến cá ngừ xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình Định. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Trong những tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khá ổn định, trong đó, thịt bò hơi xuất chuồng đạt 13.658 tấn, heo hơi là 38.839 tấn, gia cầm là 8.067 tấn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 tới nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các thị trường truyền thống của tỉnh như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh… đều có ca nhiễm mới, dẫn đến việc hạn chế tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của Bình Định.Thị trường tiêu thụ nông sản nội địa bị tắc nghẽn do dịch, trong khi sản phẩm nông sản chế biến xuất khẩu cũng gặp khó, khi các nước nhập khẩu đều chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19. Toàn tỉnh có 6 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với tổng công suất khoảng 17.000 tấn/năm; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cá đông lạnh và tôm đông lạnh. Trước tình hình đó, các DN thủy sản của tỉnh chủ động thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới ở các nước châu Mỹ, Trung Đông. Nhờ đó, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 34,4 triệu USD. Dù sản lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2020, nhưng theo đại diện các DN chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh, nguyên liệu đầu vào giai đoạn hiện nay thiếu. Nguyên nhân là nguồn nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc bị đứt gãy; đội tàu của họ ít hoạt động; đồng thời, các công ty thu mua nguyên liệu nhập khẩu cho DN trong tỉnh tạm ngưng hoạt động.
Định hướng sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường
Trước những khó khăn này, ngành Nông nghiệp tỉnh có những bước điều chỉnh trước mắt, đồng thời có định hướng lâu dài để xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp ổn định hơn. Giải pháp trước mắt là tập trung mở kênh tiêu thụ nông sản nội địa giữa các địa phương trong cả nước. Theo đó, Bình Định chủ động phối hợp với các bộ, ngành, thực hiện nghiêm túc biện pháp chống dịch và tiêu thụ sản phẩm nông sản từ các địa phương tới tỉnh một cách kịp thời, đảm bảo an toàn và lưu thông hàng hóa.
“Sở Công Thương và Sở NN&PTNT đang phối hợp xây dựng danh mục phụ lục nông sản Bình Định có sản lượng lớn cần kết nối tiêu thụ gửi Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Giữa tháng 6.2021, Sở sẽ có văn bản gửi các địa phương về tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản của thị trường Trung Quốc và các thị trường mà nông sản trong tỉnh có thể xuất khẩu được, từ đó ngành Nông nghiệp có kế hoạch hướng dẫn nông dân sản xuất đúng tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương)
Toàn tỉnh đang vào vụ sản xuất Hè Thu 2021, ngành Nông nghiệp chủ động cập nhật tình hình sản xuất trên địa bàn, phối hợp với các địa phương có kế hoạch và phương án ứng phó trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh bằng việc thiết lập mã vùng an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến…, hình thành chuỗi cung ứng đủ điều kiện lưu thông, phân phối hàng hóa trên thị trường. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Sở Công Thương cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, chế biến đủ điều kiện và an toàn dịch bệnh phục vụ kết nối tiêu thụ trong và ngoài nước. Riêng với sản phẩm trồng trọt như ớt, hành…, đẩy nhanh thực hiện cấp mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói quả tươi để gia tăng cơ hội tiêu thụ cho sản phẩm.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Ngành Nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực chủ động thay đổi trong sản xuất, chế biến phù hợp với yêu cầu của thị trường. Về phần xuất khẩu, Bình Định đề xuất các bộ, ngành Trung ương có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các thủ tục pháp lý để xuất khẩu nông sản; có giải pháp xây dựng chuỗi hệ thống cung ứng sản phẩm nông nghiệp trong từng tỉnh, từng vùng phù hợp với yêu cầu phòng dịch”.
“Sở Công Thương và Sở NN&PTNT đang phối hợp xây dựng danh mục phụ lục nông sản Bình Ðịnh có sản lượng lớn cần kết nối tiêu thụ gửi Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Giữa tháng 6.2021, Sở sẽ có văn bản gửi các địa phương về tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản của thị trường Trung Quốc và các thị trường mà nông sản trong tỉnh có thể xuất khẩu được, từ đó ngành Nông nghiệp có kế hoạch hướng dẫn nông dân sản xuất đúng tiêu chuẩn xuất khẩu”.
“Không nên giải cứu nông sản, vì giải cứu làm mất giá trị nông sản Việt. Muốn không giải cứu phải thực hiện kế hoạch sản xuất, kế hoạch tiêu thụ bài bản, hợp lý. Vai trò của ngành nông nghiệp ở đây là chủ động tham mưu để UBND tỉnh điều hành, xây dựng được chuỗi cung ứng nông sản hiệu quả. Phải xây dựng được các vùng an toàn trong sản xuất nông nghiệp, phải cấp mã vùng, mã số an toàn để nông sản rộng đường tiêu thụ. Phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam
(Trích phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, ngày 3.6)
QUANG BẢO