Phòng tránh tai nạn bỏng ở trẻ em
Bỏng là tổn thương của cơ thể do tác dụng trực tiếp của sức nóng (nhiệt độ cao) của dòng điện, hoá chất, bức xạ… gây nên. Bỏng là một trong những tai nạn thường gặp rất nguy hiểm với trẻ em. Không những gây đau đớn, việc điều trị bỏng phức tạp, lâu dài, tốn kém mà còn có thể gây tử vong cho trẻ, để lại nhiều di chứng nặng nề như sẹo, co kéo cơ, da gây tàn phế suốt đời. Trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 2 - 5 tuổi dễ bị bỏng vì rất hiếu động, tò mò và nhiều khi do sự bất cẩn của người lớn.
Có nhiều loại bỏng như bỏng nhiệt ướt, bỏng nhiệt khô, bỏng hóa chất, bỏng do sét đánh/điện giật. Khi trẻ bị bỏng cần ngâm chỗ bỏng vào nước mát, sạch hoặc để chỗ bỏng dưới vòi nước đang chảy trong vòng 20 phút (không dùng nước đá). Băng nhẹ vùng bị bỏng bằng băng sạch, tránh làm vỡ nốt phỏng. Ủ ấm cho trẻ, cho uống nước, cháo loãng, súp, đưa trẻ đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không bôi bất cứ thứ gì khác lên vết bỏng.
Để phòng tránh tai nạn bỏng, nên bố trí bếp nấu trên mặt bằng phẳng, cao ngoài tầm với hoặc có vách ngăn không cho trẻ nhỏ tới gần. Khi nấu luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không cho trẻ chơi, nô đùa nơi đang nấu ăn. Không để đồ vật đựng nước nóng trong tầm với trẻ em (nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống pô xe máy...). Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu cần tránh xa trẻ để không va đụng. Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống; nhiệt độ nước tắm rửa. Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp đang đun... Không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh. Quản lý chặt chẽ chai lọ đựng hóa chất như chất tẩy rửa, axít. Không vừa bế trẻ vừa ăn, uống thức ăn nóng. Không nên cho trẻ dưới 8 tuổi giúp đỡ bố, mẹ làm bếp. Dạy trẻ các cách phòng tránh trên và luôn dùng lót tay khi bê các đồ nóng.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)