Ðánh giá kết quả cải cách hành chính: Ðổi mới để ngày càng sát thực tế
Thời gian qua, việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thông qua chỉ số cải cách hành chính đã trở thành công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành. Song, vẫn cần nhiều thay đổi để chỉ số phản ánh khách quan, sát thực tế kết quả cải cách hành chính.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, việc triển khai xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 được tiến hành nghiêm túc, công khai, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Nội vụ - cơ quan thường trực CCHC - với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan. Nhờ đó, các thông tin thu được từ chỉ số CCHC bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, sát với thực tiễn. Sự kết hợp giữa kết quả tự đánh giá của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo bộ tiêu chí với kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, DN để xác định chỉ số CCHC đã giúp cho việc đánh giá có tính tổng hợp, toàn diện, đa chiều. Kết quả chỉ số CCHC vừa phản ánh được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác CCHC theo chỉ đạo chung của Chính phủ, vừa phản ánh được mong muốn, nguyện vọng của người dân, tổ chức, DN đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính.
● Điều tra xã hội học phục vụ xác định chỉ số CCHC nhận được nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây. Năm qua, hoạt động này đã có chuyển biến như thế nào, thưa ông?
- Công tác điều tra xã hội học xác định chỉ số CCHC năm 2020 đã có sự đổi mới tích cực, nội dung điều tra hướng tới những vấn đề người dân, DN quan tâm; số lượng mẫu điều tra cũng được mở rộng, hướng tới nhiều đối tượng để nâng cao tính đại diện. Bên cạnh đó, việc tổ chức điều tra xã hội học tiếp tục do tổ chức trung gian thực hiện, có sự tham gia giám sát của các cơ quan chức năng nên bảo đảm tính độc lập, khách quan, sát thực tế của kết quả điều tra xã hội học.
Việc triển khai điều tra xã hội học với 900 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý các cấp, gần 5.000 người dân và đại diện các tổ chức đã thể hiện tính toàn diện, đa chiều trong thu thập thông tin, đánh giá chỉ số CCHC năm 2020.
Phương pháp đánh giá, xác định chỉ số CCHC hằng năm cần đổi mới theo hướng sát thực tế, các tiêu chí đánh giá phải cụ thể và có thể lượng hóa.
- Trong ảnh: Kiểm tra tình hình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính ở huyện Tây Sơn. Ảnh: N.V.T
Tuy nhiên, công tác điều tra xã hội học vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đối tượng khảo sát do người dân không có ở địa phương hoặc có trường hợp người dân không tích cực hợp tác với điều tra viên. Công tác điều tra tại một số nơi còn sai sót trong việc phát phiếu, hướng dẫn ghi phiếu và thu phiếu dẫn đến còn một vài trường hợp chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
● Việc triển khai xác định chỉ số CCHC được coi là nhiệm vụ thường xuyên hằng năm. Xin ông cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ này trong những năm tiếp theo cần chú trọng những nội dung nào?
- Yêu cầu đặt ra là chỉ số CCHC phải phản ảnh khách quan, trung thực, chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương để trở thành tiêu chí quan trọng trong đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
“Cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương pháp, nội dung đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và các năm sau cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, phản ánh đầy đủ kết quả triển khai CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh LÂM HẢI GIANG
Để thực hiện yêu cầu đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ - cơ quan thường trực CCHC của tỉnh, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, cải tiến, đổi mới, hoàn thiện nội dung, phương pháp đánh giá, xác định chỉ số CCHC hằng năm theo hướng sát thực tế, các tiêu chí đánh giá phải cụ thể và có thể lượng hóa, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ CCHC của từng giai đoạn và phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng. Đồng thời, UBND tỉnh cũng khuyến khích các địa phương chủ động xây dựng bộ tiêu chí đánh giá riêng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.
Đi vào cụ thể, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ tham mưu sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ số đánh giá kết quả CCHC và Quy định việc đánh giá, chấm điểm, xếp hạng chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với các tiêu chí đánh giá, chấm điểm của Bộ Nội vụ và tình hình thực tế tại tỉnh. Theo đó, cần rà soát, đưa ra khỏi Bộ chỉ số các tiêu chí không thể lượng hóa hoặc không có tài liệu kiểm chứng, không phản ánh thực chất tình hình; thực hiện điều chỉnh tỷ lệ điểm đánh giá thông qua điều tra xã hội học lên mức tối thiểu là 40% (tỷ lệ hiện nay là 25%). Cùng với đó, cần đổi mới cách thức tổ chức thực hiện đánh giá thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, tránh sự can thiệp chủ quan làm sai lệch kết quả đánh giá.
● Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)