TIẾP TỤC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT:
Hướng đến sự thống nhất, đồng bộ, ổn định
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, điều kiện quan trọng là phải tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động.
Còn bất cập, vướng mắc
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn, thực hiện theo các yêu cầu, định hướng, giải pháp đặt ra từ Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên và ngày càng hoàn thiện cả về 3 nội dung, hình thức, kỹ thuật lập pháp, theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trên thực tế.
Khắc phục những bất cập trong văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện để người dân nỗ lực tuyên truyền, nêu cao ý thức chấp hành pháp luật .
- Trong ảnh: Những người phụ trách mô hình họ Lê Công không vi phạm pháp luật - thôn Khuông Bình, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước trao đổi về hoạt động của mô hình tại từ đường họ Lê Công (ảnh chụp trước ngày 24.7.2021). Ảnh: SAO LY
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, bất cập. “Nổi bật là thiếu tính ổn định, nhiều lĩnh vực các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung trong thời gian ngắn, dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao, còn tồn tại những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo”, ông Toàn dẫn chứng.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng pháp luật chưa thực sự gắn kết với tổ chức thi hành pháp luật, làm giảm hiệu lực pháp luật. Năng lực tổ chức thực thi pháp luật của bộ máy nhà nước vẫn còn những hạn chế nhất định. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, còn nhiều hạn chế, bất cập đã tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật.
Một ví dụ điển hình là Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 quy định theo hướng kiểm soát chặt các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư phát triển KT-XH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù đã có cơ chế DN tự thỏa thuận tiền đền bù để thực hiện dự án đầu tư nhưng trong nhiều trường hợp khó đạt được sự đồng thuận của tất cả các gia đình, cá nhân là người sử dụng đất. Điều này dẫn đến tình trạng không thể tích tụ, tập trung được đất đai để mở rộng quy mô sản xuất trong khi điều kiện để DN được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án quy mô lớn trong nông nghiệp còn khó khăn, phức tạp.
Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống
Trên cơ sở nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, UBND tỉnh đã đề xuất một số giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đầu tiên là tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước ta đã được đơn giản hóa một bước nhưng vẫn còn gần 20 loại văn bản khác nhau, trong đó có tình trạng một số cơ quan được ban hành nhiều loại văn bản khác nhau; mỗi loại văn bản lại có thể do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật càng được quy định đơn giản thì càng tạo thuận lợi trong việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, giải pháp quan trọng là phải đổi mới tổ chức, đầu tư nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động cho các thiết chế trực tiếp tham gia vào việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, gồm: Cơ quan soạn thảo, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, cơ quan cho ý kiến, cơ quan xem xét thông qua hoặc ký ban hành văn bản. Để các thiết chế này hoạt động có hiệu quả, cần thiết phải đầu tư nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động. Thực tiễn cho thấy nguồn kinh phí cho hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật chưa được bố trí tương xứng với tính chất và tầm quan trọng của công việc mà các cơ quan đảm nhiệm. Do đó cần có cơ chế tiền lương, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ để có thể thu hút những chuyên gia giỏi và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức ở các cơ quan này.
Đồng thời, cần đổi mới cơ chế cấp phát kinh phí cho hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo hướng coi chi cho hoạt động này là chi cho “đầu tư phát triển” phải được dự toán hằng năm vào mục chi thường xuyên của các thiết chế này và phải được Quốc hội cũng như các cơ quan có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
SAO LY