THỰC HIỆN DỰ ÁN SỬA CHỮA, NÂNG CẤP HỆ THỐNG THỦY LỢI TÂN AN - ĐẬP ĐÁ:
Đảm bảo nguồn nước tưới, chủ động tiêu úng, thoát lũ
Trong các cuộc tiếp xúc với ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, cử tri các huyện Tuy Phước, Phù Cát và TX An Nhơn liên tục phản ánh việc nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn xuống cấp, ảnh hưởng đến việc sản xuất. Tới đây, Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Tân An - Đập Đá được triển khai, sẽ đảm bảo nguồn nước tưới, chủ động tiêu úng, thoát lũ.
Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp
Trên các nhánh sông Côn và sông Hà Thanh có 19 đập dâng lớn làm nhiệm vụ ngăn sông tạo đầu nước dẫn vào các tuyến kênh tưới, cùng một số đập dâng nhỏ làm nhiệm vụ như cống điều tiết đầu kênh, không tham gia thoát lũ. Tuy nhiên, do trải qua thời gian sử dụng, ảnh hưởng bởi thời tiết, thiên tai nên hiện có một số công trình thủy lợi bị xuống cấp, cần sửa chữa, nâng cấp kịp thời để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Đơn cử là đập Gò Đậu (xã Nhơn An, TX An Nhơn) được xây dựng năm 1988, đến nay chưa được sửa chữa lần nào. Đập có nhiệm vụ dâng nước tưới cho 454 ha đất sản xuất của người dân xã Nhơn An và hai xã Phước Quang, Phước Hưng (huyện Tuy Phước). Do xây dựng đã lâu nên kết cấu của đập bị hư hỏng, nứt vỡ không thể sửa chữa, mặt khác bề rộng của đập quá nhỏ so với dòng sông làm cản trở dòng thoát lũ. Các cửa xả lũ có kích thước cửa quá nhỏ (2 m), bèo rác thường xuyên bám vào cản trở dòng chảy. Vị trí của đập không thuận lợi cho dòng chảy, gây xói lở bờ hữu phía hạ lưu đập.
Do xây dựng đã lâu, nên kết cấu của đập Gò Đậu bị hư hỏng, nứt vỡ không thể sửa chữa. Ảnh: HỒNG PHÚC
Tương tự, 3 đập dâng Thuận Hạt (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn), Hà Bạc (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) và Cây Bứa (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Các đập dâng này có kết cấu bằng đá xây và bê tông không cốt thép đã hư hỏng, lão hóa; không đảm bảo an toàn cho bản thân công trình. Đồng thời, công tác vận hành thủ công không đảm bảo kịp thời trong những tình huống khẩn cấp, khi lũ muộn xảy ra.
Ngoài ra, với các đập khác như: Thạnh Hòa 1 (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), Thạnh Hòa 2 (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn), Thông Chín (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), Bảy Yển (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn), Thạch Đề (phường Đập Đá, TX An Nhơn) tuy đã được xây dựng lại mới bằng bê tông cốt thép hiện vẫn còn sử dụng được, nhưng một số hư hỏng xảy ra ở phần tiêu năng.
Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết: Toàn bộ hệ thống thủy lợi Tân An - Đập Đá có 252 km kênh chính, kênh cấp 1 và hàng nghìn km kênh mương cấp dưới. Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, công ty đã xây dựng kiên cố hóa được gần 50 km kênh cấp 1 (đạt tỷ lệ 20%). “Hiện có 14 tuyến kênh, chiều dài gần 87 km kênh cấp 1 và các công trình trên kênh đang bị sạt lở, bồi lấp, hư hỏng nặng cần đầu tư sửa chữa ngay để đảm bảo dẫn nước tưới và tiêu úng, thoát lũ. Trong số này, có 5 tuyến kênh N1, N6, N8-1 (Hệ thống tưới đập Thạnh Hòa), S1 (Hệ thống tưới đập Tháp Mão), 19/5 (Hệ thống tưới đập Thạch Đề) với tổng chiều dài 27 km bị hư hỏng nặng cần đầu tư sửa chữa cấp bách để đảm bảo các nhiệm vụ công trình”, ông Phú, cho biết.
Để cấp nước tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp
Theo Sở NN&PTNT, hệ thống thủy lợi Tân An - Đập Đá được hình thành vào những năm 1928 - 2002. Trải qua thời gian dài hoạt động, hệ thống công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng. Đồng thời, với yêu cầu về tưới, tiêu úng, thoát lũ theo quy hoạch thủy lợi đến năm 2020 thì hệ thống thủy lợi hiện tại không đáp ứng được yêu cầu, cần phải đầu tư cải tạo, nâng cấp.
Bên cạnh đó, khu tưới của hệ thống thủy lợi này là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, tuy diện tích tự nhiên chỉ chiếm 4,6% diện tích toàn tỉnh nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 10,8%. Năm 2020, sản lượng lương thực của vùng chiếm 28,3% tổng sản lượng toàn tỉnh (202.100 tấn/715.300 tấn); góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực.
Trong những năm vừa qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư sửa chữa nâng cấp và xây dựng lại mới được 10/19 đập dâng trong hệ thống. Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Tân An - Đập Đá triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ sửa chữa, nâng cấp và xây dựng lại mới 9 đập dâng cũ đã nêu ở trên và xây dựng mới đập dâng Gò Chàm (xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn); kiên cố hóa 5 tuyến kênh chính và kênh cấp 1 với chiều dài 27 km. Đây là công trình cấp IV, do Bộ NN&PTNT cấp quyết định đầu tư với kinh phí 700 tỷ đồng, Ban Quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương: Khi hoàn thành dự án sẽ đảm bảo an toàn công trình, sử dụng có hiệu quả nguồn nước để cấp nước tưới ổn định cho 14.020 ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã thuộc huyện Tuy Phước, Phù Cát và TX An Nhơn. “Đặc biệt, dự án cũng sẽ hiện đại hóa hệ thống vận hành đóng mở cửa van, mở rộng khẩu độ, tăng cường khả năng thoát lũ qua các đập dâng, giảm ngập lụt phía thượng lưu đập. Đồng thời, giảm chi phí nạo vét và bảo trì hệ thống kênh mương, tạo cảnh quan môi trường; kết hợp xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để dự án sớm triển khai, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng”, ông Chương, chia sẻ.
HỒNG PHÚC