Ứng dụng drone trong sản xuất nông nghiệp
Drone (thiết bị bay, máy bay không người lái) được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua, bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực trong gieo hạt, phun thuốc, quản lý sinh trưởng cây trồng, quản lý về nước tưới…
Ở Bình Định, nông dân làm quen với drone thông qua các buổi trình diễn mô hình, hội thảo giới thiệu từ các DN cung cấp dịch vụ này. Đây cũng là một trong những thay đổi của nông dân khi tiếp cận với các thiết bị công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp.
Mô hình trình diễn và sử dụng drone trong sản xuất nông nghiệp do Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời triển khai tại các HTXNN trong tỉnh. Ảnh: DN cung cấp
Sau trình diễn từ hội thảo, vụ Đông Xuân 2020 - 2021, HTXNN Phước Hưng (huyện Tuy Phước) bắt đầu sử dụng drone phun thuốc bảo vệ thực vật cho 35 ha lúa. Thấy có hiệu quả nên vụ Hè Thu 2021, HTXNN Phước Hưng tiếp tục thuê dịch vụ drone của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời phun thuốc cho 4 ha, với giá dịch vụ 440 nghìn đồng/ha.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc HTXNN Phước Hưng, cho biết: Thiết bị drone còn khá mới mẻ với bà con nông dân, nên khi đưa vào sử dụng, HTXNN Phước Hưng làm việc với các thành viên, lấy ý kiến từ số đông, trên cơ sở thống nhất mới thực hiện. Sử dụng drone phun thuốc bảo vệ thực vật, phun thuốc diệt cỏ sau khi sạ giống có những ưu điểm là rút ngắn thời gian phun thuốc; nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật; thời gian bay chính xác, hiệu quả khả quan. Làm một phép tính đơn giản, cùng trên một diện tích 20 ha, nếu sử dụng drone chỉ mất khoảng 1,5 ngày để phun thuốc; trong khi đó nếu bơm thủ công mất thời gian hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, sử dụng drone ngăn tiếp xúc trực tiếp với thuốc, ngăn tiếp xúc giữa người với cây lúa (hạn chế việc giẫm lúa khi đi phun); giảm thiểu việc xả rác thải bảo vệ thực vật trên đồng ruộng (khi thực hiện bay sẽ tập kết một điểm, thu gom ngay)...
Theo ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN Nhơn Thọ 2 (TX An Nhơn), HTXNN đã phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời bay drone phun thuốc bảo vệ thực vật cho khoảng 32 ha lúa trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021, kết quả ban đầu rất khả quan. Các diện tích sử dụng drone trong phun ngừa cỏ dại có hiệu quả. Tuy nhiên, do bước đầu triển khai có nhiều điểm vướng nên vụ Hè Thu năm nay, HTXNN Nhơn Thọ 2 đang làm việc lại với phía Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời; lấy thêm ý kiến từ các thành viên để triển khai hợp tác cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022.
Theo phụ trách marketing của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời tại Bình Định, từ năm 2019 đến nay, DN đã trình diễn drone tại nhiều nơi ở Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Quy Nhơn… Hướng đi của DN là tiếp cận với các HTXNN trên địa bàn tỉnh, triển khai dịch vụ drone theo mùa (cho các HTX thuê bay trong hoạt động sản xuất).
Tương tự , theo đại diện Công ty CP Thiết bị bay Agridrone Việt Nam (TP Hồ Chí Minh), một DN khởi nghiệp trong lĩnh vực cung cấp thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, cuối năm 2020 Công ty có giới thiệu về drone ở tỉnh Bình Định. Sau khi tìm hiểu và biết ngoài cây lúa, Bình Định còn phát triển mạnh các loại cây trồng cạn (đậu phụng, bắp), các mô hình trang trại trồng cây ăn trái rất thích hợp sử dụng drone trong quản lý hoạt động sản xuất, Công ty giới thiệu về drone cho nông dân, giới thiệu ở các hội chợ, các triển lãm liên quan đến ngành nông nghiệp. Đến nay, đơn vị tư vấn cho gần 20 khách hàng từ Bình Định về drone, đặc biệt là dịch vụ bay drone trên đồng ruộng.
Ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho rằng: Drone mới được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thời gian gần đây. Đến hiện tại chưa có đánh giá cụ thể từ cấp bộ, ngành Trung ương, tuy nhiên theo kết quả công bố trên các báo cáo khoa học, drone từng bước giúp nông dân thực hiện hiệu quả trong một số giai đoạn của hoạt động sản xuất nông nghiệp như gieo hạt, phun thuốc bảo vệ thực vật. Về phía Chi cục, trước mắt tiếp tục theo dõi nắm thông tin trên địa bàn, sẽ có những đánh giá cụ thể trong thời gian tới.
THU DỊU