Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua thông báo vi phạm giao thông
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi nhận được những cuộc điện thoại thông báo yêu cầu chuyển tiền nộp phạt về việc vi phạm giao thông chưa thực hiện, thì không được làm theo bất cứ yêu cầu nào mà hãy liên hệ báo ngay cho cơ quan CA gần nhất.
Chiêu trò lừa đảo
Mới đây, anh Trần Quốc Linh (TP Quy Nhơn) đến bộ phận tiếp nhận xử lý vi phạm giao thông thuộc Phòng CSGT (CA tỉnh) phản ánh, anh có nhận một cuộc gọi tự nhận là từ Cục CSGT, thông báo anh vi phạm Luật Giao thông đường bộ và yêu cầu đóng vào tài khoản họ cung cấp 20 triệu đồng để chuẩn bị làm căn cứ điều tra. Anh kể: “Sau khi tôi bấm phím số 9 theo yêu cầu và cung cấp họ tên cũng như số CMND, họ hỏi lại tôi đang ở đâu vì sau khi kiểm tra “trên hệ thống” thì phát hiện phương tiện của tôi đã gây TNGT và nạn nhân đã tử vong. Tuy nhiên, khi tôi hỏi tôi gây TNGT chết người ở đâu, thời gian cụ thể ra sao thì họ nói đang kiểm tra vì bộ phận của họ chỉ xác nhận và kiểm tra. Nhận thấy có nhiều nghi vấn nên tôi cúp máy; đồng thời sử dụng một điện thoại khác gọi lại số điện thoại vừa gọi đến nhưng không liên lạc được”.
Người vi phạm về trật tự ATGT đến tại trụ sở CSGT để thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh: KIỀU ANH
Tương tự, anh Nguyễn Thái Hiếu (TP Quy Nhơn) cũng nhận được cuộc gọi tự động xưng là Sở GTVT, thông báo anh có 1 biên lai nộp phạt và vui lòng bấm phím 9 để được kiểm tra. Sau một lúc trò chuyện, biết đây là hành vi lừa đảo nên anh cúp máy.
Đây là thủ đoạn mạo danh, lừa đảo của kẻ gian. Chúng sử dụng những đầu số như +870, +601, +188 (tổng đài tự động) để gọi thông báo người dân, tổ chức vi phạm giao thông hoặc phương tiện của người dân đã gây TNGT, yêu cầu cung cấp thông tin như số CMND, địa chỉ nhà, rồi thông báo hình thức xử lý và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản định sẵn hoặc cung cấp mã OTP với lý do để xác minh, điều tra, xử phạt nguội.
Thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng Phòng CSGT, CA tỉnh, khẳng định: “CSGT không gọi điện thoại thông báo vi phạm giao thông, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. Theo quy định, tất cả các trường hợp vi phạm giao thông được phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát hoặc các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng CSGT gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan đến trụ sở CA nơi phát hiện vi phạm để giải quyết. Hoặc CA xã, phường, thị trấn mời tới trụ sở để tiếp nhận thông báo của CSGT, hoặc khi đi đăng kiểm phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị CSGT phát hiện vi phạm để xử lý...”.
Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Nguyễn Quả cũng cho biết: “Lực lượng chúng tôi chỉ xử phạt trực tiếp các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT trong quá trình tuần tra, phát hiện thì lập biên bản vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân. Và đơn vị cũng không nhận sự ủy quyền để thông báo xử lý vi phạm hành chính về giao thông từ bất kỳ cơ quan, đơn vị nào”.
Đề cao cảnh giác
Theo Phòng CSGT (CA tỉnh), việc phạt nguội có nhiều giai đoạn. Cụ thể, sau khi tiếp nhận hình ảnh vi phạm, lực lượng CSGT sẽ tiến hành xác minh vi phạm theo quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA. Sau đó sẽ gửi thông báo vi phạm bằng đường bưu điện đến chủ phương tiện. Nội dung thông báo cung cấp thông tin về biển số, thời gian, địa điểm vi phạm, đơn vị phát hiện vi phạm và hành vi vi phạm cụ thể. Đồng thời yêu cầu chủ phương tiện đến trực tiếp đơn vị CSGT gửi thông báo để xem lại hình ảnh vi phạm và chủ phương tiện có trách nhiệm chứng minh vào thời điểm vi phạm đó, ai là người điều khiển phương tiện.
“Sau khi làm việc với chủ phương tiện và xác minh xong ai là người vi phạm thì chúng tôi mới tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Hiện nay, các thông tin về biển số, thời gian, địa điểm vi phạm, đơn vị phát hiện vi phạm và hành vi vi phạm đều được hiển thị công khai nội dung trên Cổng thông tin điện tử của Cục CSGT và Cục Đăng kiểm Việt Nam, người dân có thể truy cập trực tiếp để kiểm tra”, thượng tá Hoài cho biết.
Người dân cần cảnh giác với loại tội phạm lừa đảo này. Khi nhận các cuộc gọi thông báo liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, địa chỉ email) để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cách tra cứu phạt nguội
● Ðăng nhập website của Cục Cảnh sát giao thông tại địa chỉ http://csgt.vn, ở góc phải có mục “Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh”. Nhập biển số xe, lựa chọn loại phương tiện và mã bảo mật tương ứng rồi nhấn “Tra cứu”.
● Ðăng nhập website Cục Ðăng kiểm Việt Nam tại địa chỉ http://www.vr.org.vn, nhập biển số xe, số tem, giấy chứng nhận hiện tại vào khung trống rồi nhấn “Tra cứu”. Lưu ý, đối với xe biển 5 số, biển trắng thêm chữ T, biển xanh thêm chữ X và biển vàng thêm chữ V. Với số tem, giấy chứng nhận nhập dấu “-” phân cách giữa chữ cái và chữ số. Thông tin sẽ hiển thị ở ngay bên dưới.
KIỀU ANH