Cắt giảm kinh phí hội họp, bổ sung nguồn chống Covid-19: Quyết định hợp lòng dân
Chính phủ thống nhất cắt giảm kinh phí hội họp để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19 là một việc làm thiết thực, giải pháp hữu hiệu để chống lãng phí.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.2021, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết. Đây là quyết định hợp lòng dân, một việc làm thiết thực, giải pháp hữu hiệu để chống lãng phí.
Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. (Ảnh: TTXVN)
Họp là một trong những cách thức hiệu quả để giải quyết công việc trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Khi có các vấn đề nảy sinh, các công việc cần giải quyết cấp bách thì phải họp bàn mới ra vấn đề, ra chính sách, quyết sách, có sự thống nhất, giải quyết các vấn đề vướng mắc, ách tắc để công việc thông suốt, trôi chảy hơn. Đó là những cuộc họp cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo hiệu quả chưa cao.
Nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện có thật “cười ra nước mắt” vào năm 2018 là một Giám đốc Sở ở Đà Nẵng đã nhiều lần xin thêm cấp phó vì... “không đủ người đi họp”. Hay có lãnh đạo ở TPHCM than phiền mỗi năm phải tham dự hàng trăm cuộc họp. Thống kê năm 2018 của Bộ Nội vụ công bố: cứ mỗi 8 tiếng trên cả nước lại có gần 3.000 cuộc họp, tổng nguồn ngân sách chi tiêu cho hội họp mất khoảng tỷ 1,5 tỷ đồng mỗi ngày. Đến nỗi, dư luận đã gọi tên việc chính của công chức là “đi họp”.
Thực tế nhiều lúc, nhiều nơi, chúng ta đã chứng kiến tình trạng “lạm phát” họp, hội nghị. Số lượng các cuộc họp ngày càng tăng, "năm sau cao hơn năm trước". Nhiều cuộc “họp” biến thành “hành”. Cán bộ khổ vì phải dự các cuộc họp liên miên, không có đủ thời gian để giải quyết các công việc cần thiết, còn người dân thì khổ vì không được gặp cán bộ để giải quyết các công việc hành chính. Họp hành, hội nghị quá nhiều còn tạo ra chỗ dựa cho bệnh thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý. Nhiều cuộc họp được tổ chức để biến tập thể thành “nơi trú ẩn trách nhiệm”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng "bội thực" hội nghị, họp hành như: tổ chức không khoa học; không rõ hoặc đặt ra nhiều nội dung, nhiều mục đích; công tác điều phối kém, không chuẩn bị trước nội dung, trùng lặp, bàn tràn lan; triệu tập thành phần dự họp không phù hợp... Không ít nơi, vào dịp cuối năm đã lợi dụng việc tổ chức hội nghị, hội thảo để giải ngân.
Hội họp như vậy trở thành gánh nặng cho xã hội, mang tính hình thức, gây lãng phí về thời gian, nhân lực, tiền bạc… Do đó, cần phải nhận thức đúng, đổi mới tư duy về hội họp để góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
Trước hết, cần phân cấp, phân quyền, giao quyền rõ ràng. Cấp nào được quyết định việc gì thì cứ thế mà thực hiện. Cấp trên chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chứ không cầm tay, chỉ việc, không can thiệp sâu vào các công việc của cấp dưới.
Thứ hai, cần đẩy mạnh ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong bộ máy công quyền giúp giảm bớt họp hành bằng việc họp trực tuyến, trao đổi thông tin qua thư điện tử, thông tin trên website, mạng nội bộ... Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc liên lạc, trao đổi trực tuyến thời gian vừa qua đã được đẩy mạnh, vừa góp phần đảm bảo an toàn, vừa giảm bớt việc họp hành, đi lại, vừa giảm tốn phí cho ngân sách Nhà nước.
Hiện Chính phủ đã và đang đi đầu trong việc giảm bớt họp hành, hội nghị. Việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử trong những năm gần đây đã cho thấy sự đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước và phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng tới Chính phủ không giấy tờ và mang lại “những giá trị nghìn tỷ từ nút bấm điện tử”. Mỗi năm, chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia là hơn 8.100 tỷ đồng.
Trong khi cả nước đang quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, người dân góp từng chục nghìn đồng để góp vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, góp sức cho công tác chống dịch, thì giảm bớt hội nghị, họp hành, các chuyến công tác không cần thiết theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua là những việc làm thiết thực vì nước, vì dân.
Theo Mai Hồng (VOV1)