NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG LAO ĐỘNG TRẺ EM 12.6:
Không để trẻ em lao động sớm
Năm 2021 được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn là Năm Quốc tế xóa bỏ lao động trẻ em, nhằm khuyến khích các hành động lập pháp và thực tiễn hướng đến việc xóa bỏ lao động trẻ em trên toàn thế giới.
Để hưởng ứng hành động này của Liên Hợp Quốc, tại Bình Định, từ tháng 4 đến nay, Sở LĐ- TB&XH đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và người sử dụng lao động tại nhiều địa phương, trong đó chú trọng đến một số xã đảo, ven biển, những nơi có nhiều làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức.
Sáng 27.4, tại xã Nhơn An (TX An Nhơn), trong số 50 người đến dự buổi tập huấn của Sở, có nhiều người là cha mẹ. Họ ngồi chăm chú dõi theo từng chia sẻ của báo cáo viên, nhất là khi anh nói về thiệt thòi và cả mất mát khi trẻ phải sớm lao động, kiếm tiền. “Thấy tội nghiệp tụi nhỏ quá. Hồi giờ đâu có ai nghĩ tới những chuyện này”, họ bàn tán với nhau vậy.
Năm 2021, Sở LĐ-TB&XH sẽ triển khai 3 mô hình về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại TX An Nhơn và 2 huyện Hoài Ân, Tây Sơn. So với năm ngoái chỉ có 2 mô hình ở TX An Nhơn và TX Hoài Nhơn, năm nay Sở tăng thêm một địa phương nữa vì muốn mở rộng, nâng cao hiệu quả tuyên truyền từ mô hình này.
“Thời gian tới, Sở phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt lồng ghép kiểm tra việc thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH trao đổi.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hùng, trên thực tế, dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho thu nhập của nhiều gia đình sụt giảm nghiêm trọng; đặc biệt số hộ vốn khó khăn nay lại càng thêm túng quẫn. Thực trạng này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ trẻ em trong các gia đình ấy sẽ phải tham gia vào thị trường lao động để phụ giúp gia đình.
Để ngăn nguy cơ này xảy ra, ông Hùng cho rằng, các cấp, các ngành, địa phương, các hội, đoàn thể, tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm, gia đình cần chung tay một cách tích cực và hết sức trách nhiệm trong việc quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ các em và gia đình các em khó khăn. Kết quả của giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy công tác phòng ngừa giảm thiểu lao động đã nhận được sự quan tâm đúng mức, hiệu quả. Mong rằng, trong giai đoạn tới, việc này tiếp tục được quan tâm nhiều hơn nữa, tạo ra nhiều thành quả tốt đẹp hơn, để mọi trẻ em trong tỉnh được hưởng đầy đủ những quyền lợi của mình.
“Những tác động của Covid-19 đến bảo vệ trẻ em và vấn đề lao động trẻ em sẽ được Bộ LĐ-TB&XH, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rút ra bài học để xây dựng kế hoạch tiếp tục lộ trình giảm thiểu lao động trẻ em đến năm 2025 và 2030. Chúng ta hãy cùng nỗ lực hành động, đặc biệt trong năm 2021 là Năm Quốc tế xóa bỏ lao động trẻ em, để đại dịch Covid-19 không thể cản trở các quốc gia hướng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đặc biệt trong đó có mục tiêu 8.7 xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức”. Ông ĐẶNG HOA NAM, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH)
NGỌC TÚ