Chúng tôi là tài xế xe cứu thương 0 đồng Sen Việt
Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Sen Việt - chùa Dương Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) hiện tại có 3 chiếc xe cứu thương, nhận chuyển viện, xuất viện, nhập viện trong và ngoài tỉnh miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ðội ngũ tài xế xe cứu thương có khoảng 60 người, ngoài yêu cầu quan trọng nhất là lái xe an toàn, họ còn phải biết sơ cấp cứu bệnh nhân và có kỹ năng ứng phó với những tình huống đột xuất, khẩn cấp với xe và với người bệnh trên xe.
A lô là có
7 giờ 11 phút ngày 11.6, tài xế Đặng Tấn Lai đỗ chiếc xe cứu thương Sen Việt trước nhà riêng của bệnh nhân Nguyễn Thắng (SN 1973), ở thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) để đưa anh vào BVĐK tỉnh. Hai tiếng sau, tài xế Lai có mặt ở xã Phước Quang để chuyển bệnh nhân Trương Quang Danh vào BVĐK tỉnh. 40 phút sau, anh chuyển bệnh nhân Nguyễn Thị Châu từ BVĐK tỉnh về TTYT huyện Phù Cát, rồi bệnh nhân Đỗ Thị Kim Hương từ BVĐK tỉnh về lại nhà riêng ở xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát)… Thông thường, tài xế xe cứu thương 0 đồng Sen Việt sẽ xuất hiện vài phút sau khi nhận được cuộc điện thoại của người nhà.
Các thành viên trong Đội xe cứu thương 0 đồng Sen Việt. Ảnh: N.T
Trong số 60 tài xế, người lớn tuổi nhất là anh Nguyễn Thái Tùng, quê TX An Nhơn, đã ngoài 55 tuổi, còn trẻ nhất có đến tầm chục người đều 25 tuổi. Đa số đã và đang là tài xế xe tải, xe khách, xe 4 - 7 chỗ chạy dịch vụ, đến từ nhiều huyện, thị, thành phố. Họ giống nhau ở việc quý mến cái tâm làm phước giúp người của thầy Lá Lúa - Đại đức Thích Vạn Lực, tăng thường trú chùa Dương Sơn, nên muốn góp sức mình. Đại đức Thích Vạn Lực chia sẻ: “Tài xế Sen Việt rất đoàn kết, hỗ trợ tích cực cho nhau. Do thời gian rảnh của mọi người không trùng nhau nên tôi tạo ra các nhóm, 4 số hotline gọi xe cứu thương đưa cho 4 tài xế kỳ cựu, mỗi tài xế đều có 3 chìa khóa của 3 xe cứu thương. Khi có người gọi đến, thông tin được đăng tải lên các nhóm, ai giúp được và ở vị trí gần nhất thì phản hồi và đến lấy xe đi. Anh em nhiệt tình lắm, có lúc 2 - 3 người cùng chạy đến. Mỗi buổi tối, các tài xế chia lịch trực tại 3 điểm để xe, luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng khi có người a lô cần hỗ trợ là tới ngay.
Hết lòng vì người bệnh
Tài xế Nguyễn Văn Chính (30 tuổi), thường cầm vô lăng trong những chuyến hỗ trợ đường dài cho hay, tất cả những người có mặt trong xe khi ấy xem nhau như trong một gia đình vậy. “Nhớ lần nhận thi thể từ nhà xác Bình Hưng Hòa ở TP Hồ Chí Minh, anh em đã lấy vải trắng quấn lại đàng hoàng. Xe chạy đường dài thường có 3 - 4 tài xế, bởi xác định không nghỉ nhiều. Đôi khi thấy người nhà sốt ruột quá, anh em mua ổ bánh mì lên xe, thay nhau vừa lái, vừa ăn. Với những người nhà quá đau lòng, chúng tôi chuyện trò, an ủi, động viên. Tài xế xe cứu thương đường dài Sen Việt còn luôn chủ động bật định vị và cố gắng nhớ những cơ sở y tế dọc đường chuyển viện, phòng khi bệnh nhân có sự cố trên đường thì lập tức đưa vào đó cấp cứu”, anh Chính chia sẻ.
Ngồi nhắc lại buổi chiều kinh hoàng ngày 3.6 vừa qua khi con gái Nguyễn Thị Quỳnh Hương (14 tuổi) bị sốc thuốc quá nặng dẫn đến co giật, tím tái, tê cứng người, được xe cứu thương Sen Việt chuyển từ Trạm Y tế xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) xuống BVĐK tỉnh, chị Đoàn Thị Phụng còn thấy rùng mình khi lúc đó là 5 giờ chiều lại gặp đèn đỏ, dù con được nhà xe cho thở oxy nhưng trông rất yếu. “Vậy rồi tài xế chuyển qua làn đường ngược lại, bật đèn tín hiệu cũng như dùng gậy giao thông xin phép người dân nhường đường. Vào đến bệnh viện, bác sĩ bảo trễ tầm 10 phút nữa thôi là không cứu được con”, chị Phụng run run nói.
Tài xế xe cứu thương 0 đồng Sen Việt phục vụ miễn phí nhưng lại chịu nhiều áp lực về thời gian với những ca cấp cứu, thức suốt đêm trong những chuyến đi dài ngày, chờ đợi cả ngày trời dưới cái nắng gay gắt ở sân bay quốc tế để nhận thi thể, không ít lần bị xét nét, hoài nghi… Vậy điều gì làm cho họ gắn bó ngày càng khăng khít với công việc?
Họ bảo, vì thầy Lúa - người làm việc tốt cho đời, phải được ủng hộ tiếp sức. Vì câu cảm ơn ngắn ngủn, gọn lỏn của bệnh nhân, người nhà mà nghe thấy “vui cả ngày”. Vì cả nụ cười, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt như trường hợp chị Cao Thị Bích Thủy, quê xã Phước An (huyện Tuy Phước), xe chở 1 tuần 3 lần vào BVĐK tỉnh chạy thận hơn 1 tháng qua, từ nằm một chỗ giờ đã bước đi được. Hay trường hợp của em Trương Quang Danh (13 tuổi) ở xã Phước Quang, không còn phải tụt lên tụt xuống trên chiếc lưng còng của người bà, mà đã có anh em tài xế ẵm lên xe, chạy thẳng vào bệnh viện điều trị…
NGỌC TÚ