Chủ động PCCC tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
Sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt không đảm bảo; trang thiết bị về PCCC còn thiếu; vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa thành phẩm đặt, để không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC... là những nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự cố cháy nổ tại các sơ sở sản xuất, và tổn thất do cháy gây ra cũng hết sức nặng nề.
Chủ quan trong PCCC tại chỗ
Toàn bộ nhà xưởng với diện tích khoảng 5.000 m2 của Công ty TNHH MTV Nhật Nam Hưng (KCN Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) đã bị thiêu rụi hoàn toàn trong vụ cháy xảy ra khoảng 1 giờ 10 phút ngày 1.6 vừa qua. Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, trước khi xảy ra sự cố này, Công ty cũng đã từng bị cơ quan chức năng nhắc nhở vì vi phạm các quy định về PCCC, như không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, bình chữa cháy bố trí ở các nhà xưởng chỉ mang tính hình thức.
Hiện trường vụ cháy tại xưởng sản xuất Công ty CP năng lượng Vân Canh (xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) cuối tháng 3 vừa qua.
Trước đó, tại khu vực máy nghiền tinh của xưởng sản xuất thuộc Công ty CP năng lượng Vân Canh (xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) cũng xảy ra cháy. Khi phát hiện cháy, công ty này đã tiến hành các hoạt động chữa cháy ban đầu, di chuyển hàng hoá, triển khai lăng vòi tại họng nước chữa cháy, sau đó báo cho đơn vị PCCC hỗ trợ. Vì chất cháy là mùn cưa, bột gỗ, cao su nên bắt lửa nhanh với diện tích cháy khoảng 3.200 m2. Song nhờ sự chủ động và phán đoán đúng tình huống của lực lượng chức năng khi tiếp cận đám cháy nên đã nhanh chóng khống chế cháy, bảo vệ được nhà xưởng, hệ thống năng lượng mặt trời và thiết bị máy móc trị giá hàng trăm tỷ đồng. Tuy vậy, từ vụ cháy cho thấy, nếu như công ty thận trọng và kiểm tra kỹ càng hơn những bất cập về PCCC cũng như báo cháy sớm hơn cho lực lượng chức năng thì vụ cháy và thiệt hại có thể được hạn chế nhiều hơn.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CA tỉnh, qua điều tra các vụ cháy nổ tại các công ty, DN và nhà ở kết hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nguyên nhân dẫn đến các sự cố cháy chủ yếu là do ý thức chấp hành quy định an toàn PCCC của chủ DN, công ty và cơ sở kinh doanh còn hạn chế; còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng nguồn điện, nhiệt không đảm bảo.
Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CA tỉnh, phân tích: “Những sai phạm thường xảy ra tại các DN, công ty, sản xuất kinh doanh và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chủ yếu là chưa thẩm duyệt, nghiệm thu đã đi vào hoạt động; không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; vận hành quy trình máy móc sai và vi phạm nội quy PCCC. Cụ thể, hệ thống điện tại một vài khu vực đấu nối không đúng kỹ thuật, các thiết bị điện không bảo đảm an toàn; đã thành lập đội PCCC nhưng chưa trang bị phương tiện theo quy định; nhiều cơ sở có đường ống nước chữa cháy bị rò rỉ, van đóng, mở bị gỉ sét, hư hỏng, áp lực nước không duy trì tốt... do đó khi xảy ra sự cố cháy, nổ công tác chữa cháy tại chỗ sẽ bị động, dẫn đến cháy lớn, cháy lan”.
Nâng cao hiệu quả PCCC tại chỗ
Theo thống kê của CA tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 32 vụ cháy, trong đó có đến 15 vụ cháy tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Theo đại tá Long, khi xảy ra cháy, nổ, nếu lực lượng tại chỗ phát hiện cháy sớm, có đủ người và phương tiện chữa cháy như bình, vòi chữa cháy và tiến hành các bước cứu chữa ban đầu trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến thì sẽ giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản. Song song với công tác tổ chức chữa cháy ban đầu, đồng thời phải thông tin báo cháy ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp để hạn chế được thiệt hại do cháy gây ra.
Đại tá Nguyễn Văn Long cxho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát năng lực PCCC tại cơ sở, nhất là các công ty, DN, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh để kịp thời nhắc nhở khắc phục những thiếu sót và bất cập về công tác PCCC. Đồng thời, tăng cường xử phạt, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ cá nhân, DN, cơ sở có nhiều vi phạm hoặc có nguy cơ trực tiếp dẫn đến cháy, nổ. Đi đôi với công tác này, chúng tôi cũng sẽ tổ chức thực tập, diễn tập phương án PCCC nhằm giúp đội ngũ công nhân viên của các DN rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng trong việc xử lý các tình huống cháy, nổ hiệu quả nếu không may xảy ra hỏa hoạn.
Bên cạnh đó, mỗi người dân nói chung và cơ sở sản xuất kinh doanh nói riêng cần thường xuyên kiểm tra các hệ thống phát điện, nguồn nhiệt và nhanh chóng nâng cấp, thay mới những thiết bị điện đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cũng như trang bị đầy đủ hệ thống PCCC tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bài, ảnh: KIỀU ANH