Những người nâng bước cho ca khúc
Khi say mê một ca khúc nào đó, công chúng sẽ nhớ đến ca sĩ, nhiều lắm là đến nhạc sĩ sáng tác, gần như không có ai nghĩ đến những người hòa âm phối khí. Là dân trong nghề, các nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ biết chính xác và trân trọng đóng góp của những người đứng khuất ở phía sau.
Điều đó khiến tôi muốn viết về họ, nhưng khi tiếp chuyện, tất cả các nhạc sĩ hòa âm phối khí đều khiêm tốn chia sẻ, nhạc sĩ sáng tác là quan trọng nhất, thứ đến là giọng hát của ca sĩ chắp cánh đưa âm nhạc đến với công chúng, còn chúng tôi chỉ góp một phần nhỏ, nhiều lắm là nâng bước thôi.
1. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Đạm, giảng viên Trường CĐ Bình Định, có thâm niên 17 năm trong nghề hòa âm, phối khí. Tại phòng thu của mình ở đường 1 tháng 5 (TP Quy Nhơn) anh kể: Ngoài công việc ở trường ra, gần như mình chỉ ở trong studio tại nhà. Để làm bản phối cho một bài hát tốn khá nhiều thời gian. Phải đọc kỹ ca từ, nghe hết những giai điệu, tiết tấu rồi phác thảo ý tưởng, xác định chất nhạc để có cách xử lý phần nhịp phách (beat) sao cho hợp lý. Ví dụ ca khúc Chiếc chõng tre của tác giả Dương Viết Hòa nhé. Ca từ anh viết thế này - Tình em nè như chiếc chõng tre nè. Mùa thu mà ấm áp. Trăng buông đêm tàn nè. Làn da làn da em trắng nuột nà. Cho đêm lấp lóa - chõng thời chõng thời rung rinh. Chất nhạc của ca khúc này mà phối theo kiểu hiện đại có lẽ là không phù hợp! Đọc phần ca từ này lên là trong đầu mình đã hình dung, bật lên những hình ảnh, điệu thức khác…
Anh Trần Kim Vân đang hòa âm tại studio của mình. Ảnh: VÂN PHI
Nét chung của nhiều nhạc sĩ hòa âm phối khí là tha thiết với những làn điệu dân ca quê hương. Chính vì thế khi làm nhạc cho những ca khúc của nhạc sĩ địa phương, đặc biệt là những ca khúc đậm đà chất Bình Định, sự say mê dường như thăng hoa đến chất ngất. Nhạc sĩ Phan Thanh Hùng, giảng viên của Trường CĐ Bình Định, gắn bó với công việc hòa âm phối khí, thu âm ca khúc đã hơn 20 năm, chia sẻ: “Mình mở phòng thu tại nhà trước hết phục vụ cho đam mê sáng tác của mình, đồng thời cùng anh em nhạc sĩ hoàn thiện ca khúc. Khi nhận tác phẩm mình luôn tự nhủ lòng phải dốc hết sức vì đây là tâm huyết của anh em! Anh hỏi tôi về “làn điệu quê hương” hả? Nói vầy cho nhanh đi, chỉ cần đọc mấy chữ “Bình Định - Quy Nhơn - Tây Sơn… chẳng hạn, trong não của nhạc sĩ hòa âm phối khí nào ở mình cũng sẽ bật lên làn điệu bài chòi, tiếng trống tuồng, nhịp sóng vỗ… Vậy mà khó lắm, làm mới những cái đã ăn sâu vào tiềm thức của mình, trong ký ức của công chúng rất khó! Nhưng ai cũng ham húc đầu vào đó lắm!”.
2. Mỗi nhạc sĩ hòa âm phối khí có một thế mạnh riêng. Với Trần Kim Vân, cán bộ của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, mà giới chơi nhạc hay gọi thân mật là Vân Organ, sở trường của anh là mảng nhạc cụ dân tộc, khả năng phối những ca khúc hiện đại trên âm hưởng dân ca. Vân Organ chia sẻ: Tôi yêu thích những giai điệu, tiết tấu thuộc về dân gian, đặc biệt khi chúng được trình tấu ngay trên quê hương khởi sinh ra nó. Ví dụ, nghe tiếng đàn t’rưng, đàn preng, prí ở ngay những thôn, làng của đồng bào H’rê ở huyện An Lão sẽ khác rất nhiều nếu nghe ở sân khấu hội diễn tại Quy Nhơn; tương tự với cồng chiêng Bana, trống kơ toang của đồng bào Chăm Hroi… Mỗi khi những thang âm điệu thức lạ lẫm, hấp dẫn chui vào tai, nó sẽ khiến mình thao thức, say mê nghiên cứu, bóc tách những tầng những lớp âm ngay. Mình không nhịn được, phải tập trung tối đa hướng tới mục tiêu chuyển hóa sao cho phù hợp, hấp dẫn trong ca khúc hiện đại.
Năm 2006, Vân Organ đầu tư lớn, mua sắm máy móc, thiết bị để làm hòa âm phối khí và mỗi năm đồ nghề của anh lại thêm bộn bề. Hôm gặp anh tại phòng thu tại nhà trên đường Lý Văn Bưu (TP Quy Nhơn), anh giới thiệu tôi ca khúc anh vừa hòa âm cho nhạc sĩ Đào Minh Tâm, bài Ba tôi. Ca từ bài hát đầy chất tự sự: “Sống phải khát khao. Sống phải ước mơ và yêu cuộc đời này. Ba nhìn con lớn lên từng ngày. Vui mừng ba giấu trong lòng mình. Ba chẳng mong con giàu sang. Ba chẳng mong con làm quan. Ba chỉ mong con sống sao cho thật đàng hoàng. Sống hiên ngang hiên ngang bằng tình yêu thương”. Trên nền ca từ thô hào, anh sử dụng bộ gõ percusion kết hợp đàn guitar trải ra chuỗi âm thanh đậm đà chất acoustic. Tiết tấu nhạc nhanh, tươi trẻ, thúc giục, lôi cuốn người nghe nhưng vẫn dành lại không gian đủ rộng để cảm nhận thông điệp từ phân lời bài hát.
3. Cùng với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và mục đích vận hành, ngày càng có nhiều studio được mở ra. Anh Lưu Nhất Phong ở Hoài Nhơn bộc bạch: “Mình vừa mở sudio tại nhà chủ yếu phục vụ việc sáng tác, ca hát của mình và con gái, đồng thời dành sân chơi cho những người yêu âm nhạc ở địa phương”. Ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Dũng (TP Quy Nhơn), hiện đang là Chủ nhiệm CLB Văn nghệ sĩ trẻ của tỉnh, chia sẻ: “Để phục vụ cho việc sáng tác của cá nhân, lên bản demo, thu âm cho một số chương trình hoạt động của các ca sĩ trẻ và CLB nên mình đầu tư thiết bị máy móc, mở phòng thu. Nhờ vậy mà công việc trôi chảy, hiệu quả hơn”. Gặp nhạc sĩ Lý Anh Võ trên gác nhỏ nhà mình tại đường Nguyễn Huệ (TP Quy Nhơn), ông cười hiền khô, bộc bạch: “Phòng thu của mình nhỏ xíu, chủ yếu là để phục vụ cho cái sự chơi của mình và cho các anh em bằng hữu”.
Mỗi người một ít, từ những studio cá nhân mới mở hay hoạt động nhiều năm theo hướng chuyên nghiệp thì họ vẫn đang lặng lẽ tận tụy với công việc của mình, góp sức để cho những ca từ, giai điệu được ngân lên, gióng vang những nhịp đập xúc cảm. Nhạc sĩ Thế Tuyên, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định, cho hay: “Cùng với nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn, các nhạc sĩ chuyên hòa âm phối khí ở tỉnh ta đầu tư ngày càng lớn cho các studio, phòng thu âm. Họ hoạt động, làm việc sôi nổi lắm nhưng do tính chất công việc nên ít người biết. Các phòng thu chuyên nghiệp tập trung tại TP Quy Nhơn, như: Đình Đạm, Thanh Hùng, Vân Organ… Gần đây đã có thêm một số phòng thu ở các huyện, thị xã nhưng chủ yếu phục vụ những người yêu âm nhạc tại địa phương thôi.
VÂN PHI