Tây Sơn chủ động chống hạn
Trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, chính quyền huyện Tây Sơn cùng với ngành Nông nghiệp đang triển khai đồng bộ nhiều phương án chống hạn, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân và giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất vụ Hè Thu.
Trên địa bàn huyện có 26 hồ chứa nước (huyện quản lý 24 hồ, Xí nghiệp Thủy lợi V quản lý 2 hồ). Tổng dung tích nước tại các hồ chứa do huyện quản lý đến cuối tháng 4.2021 là 2,53 triệu m3, đạt 32,35% dung tích thiết kế. Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài và không mưa, các nguồn nước tưới thiếu hụt, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Đảm bảo nước sinh hoạt cho 2.000 hộ
Hiện nay, một số giếng khoan, giếng đào trên địa bàn huyện đã cạn nước, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, không có mưa đến cuối tháng 7, có khả năng thiếu nước sinh hoạt khoảng 2.000 hộ/8.734 người tại các xã Bình Thuận, Tây An, Bình Hòa, Bình Thành, Bình Nghi, Bình Tân. Riêng xã Bình Nghi có đến 633 hộ/2.532 người ở các thôn 1, 2, 3, 4 và Lai Nghi thiếu nước sinh hoạt.
Tại xã Bình Thuận có khoảng 214 hộ/694 người thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay. Một số khu vực thôn Thuận Hiệp, Thuận Hạnh đã bắt đầu thiếu nước sinh hoạt. Ông Hồ Văn Sơn (xóm 3, thôn Thuận Hạnh), chia sẻ: “Hơn một tháng nay, nguồn nước giếng đào của gia đình và các hộ ở xóm 3 đã cạn kiệt. Để có đủ nước sinh hoạt cho gia đình và nước uống cho đàn bò, hằng ngày, tôi phải đi lấy nước ở nhà người dân có giếng khoan, giếng đào dọc kênh Văn Phong”. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: “Xã đã chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, kinh phí chống hạn, đảm bảo ứng phó kịp thời khi tình hình khô hạn diễn ra. Xã lên kế hoạch khoan thêm 7 giếng, đào sâu âm bọng 15 giếng cũ và hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân 35 lít/người/ngày trong 3 tháng”.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Huyện đã lên kế hoạch vận chuyển nước cấp cho người dân vùng thiếu nước do không khắc phục được tại chỗ, những nơi thiếu nước cục bộ thì vận động người dân âm bộng giếng, khoan thêm giếng mới; phân phiên lịch cấp nước sinh hoạt khi nguồn nước suy giảm; kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bơm, chuẩn bị hóa chất xử lý nước... chống thất thoát nước sinh hoạt. Cùng với các đơn vị cấp nước sạch sẵn sàng vận chuyển nước cấp cho các khu vực nông thôn thiếu nước diện rộng”.
Ưu tiên nước tưới cho cây lúa
Ông Đinh Khâm, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, cho biết: “Tổng diện tích sản xuất vụ Hè Thu năm 2021 trên địa bàn huyện là 7.502 ha, trong đó có 5.652 ha lúa. Sau khi kết thúc vụ Đông Xuân 2020 - 2021, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương và chủ công trình cấp nước xác định nguồn nước, nếu không đủ nước tưới cho lúa thì khoanh vùng chuyển đổi sang trồng cây trồng cạn”.
Ông Hồ Văn Sơn (thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận) phải đi lấy nước từ các giếng khoan còn nước về sinh hoạt. Ảnh: Đ.PHƯƠNG
Vụ Hè Thu năm nay, xã Bình Nghi sản xuất 618 ha, có 436 ha lúa. Diện tích lúa không sản xuất là 120 ha, do hồ Thủ Thiện không đủ nước tưới cho 100 ha và 20 ha ở cuối nguồn trạm bơm Đại Đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi Văn Ngọc Quế cho hay: “Xã đã chỉ đạo các HTXNN trên địa bàn tập trung cử người giữ, điều tiết nước hợp lý; nạo vét cửa lấy nước vào trạm bơm, kênh mương, khoan giếng để lấy nước sản xuất. Diện tích chống hạn của trạm bơm Đại Đồng là 200 ha, địa phương sẽ nạo vét mương cát để lấy nước từ sông Côn đến trạm; nâng công suất chạy máy lên gấp đôi để cung cấp nước tưới”.
Trong khi đó, hiện nguồn nước các công trình đập dâng Văn Phong, hồ Thuận Ninh, hồ Định Bình, hồ Núi Một vẫn đảm bảo nước tưới tập trung, đúng lịch đã phân. Để tránh hạn diện tích cuối kênh, huyện đề nghị các đơn vị quản lý lên phương án điều tiết, phân phối nước hợp lý, thường xuyên kiểm tra hệ thống kênh tưới, nạo vét kênh mương kịp thời, có phương án chống hạn. Các đơn vị quản lý hồ chứa xem xét khả năng xả nước về hạ lưu để các trạm đủ nước bơm tưới. Toàn huyện có 23 trạm bơm điện, tưới 955 ha lúa, Điện lực Phú Phong ưu tiên không để xảy ra mất điện ở các trạm bơm.
ĐÌNH PHƯƠNG