Ðể nông dân là “chuyên gia” trên đồng ruộng
Với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật canh tác, áp dụng tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt hướng đến đào tạo nông dân trở thành “chuyên gia” trên đồng ruộng, ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức nhiều lớp học thực tế trên đồng ruộng.
Những năm gần đây, nông dân Bình Định đã làm quen với nhiều lớp học thực tế trên đồng ruộng (FFS - viết tắt từ tiếng Anh Farmer Field School), do ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật triển khai dưới hình thức học và hành ngay tại đồng ruộng. Lớp học FFS đặt nông dân ở vị trí trung tâm, giúp họ tham gia tương tác với chuyên gia nông nghiệp, tiếp cận thông tin về tiến bộ KHKT để trở thành “chuyên gia” trên đồng ruộng.
Nông dân nhóm cùng sở thích xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) học thực hành trên đồng ruộng với các chuyên gia Văn phòng Dự án rau an toàn tỉnh. Ảnh: VP Dự án rau toàn Bình Định
Dự án rau an toàn Bình Định bắt đầu triển khai năm 2016 là một ví dụ. 2 năm sau đó, Văn phòng điều phối dự án bắt tay vào phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai các lớp học FFS cho hơn 1.000 hộ nông dân thuộc các nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các chuyên gia của Văn phòng điều phối dự án phối hợp với cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp các huyện, thị xã tổ chức lớp học cho nông dân trong thời gian 7 tuần/lớp. Nông dân được phân nhóm thực hành ngay trên đồng ruộng để áp dụng kiến thức vừa học, hình thành thói quen mới trong canh tác. Đến nay, dự án đã tổ chức các lớp học FFS cho 40 nhóm cùng sở thích. Nông dân được hướng dẫn theo từng chuyên đề về quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và thực hành trên ruộng rau, như: Lên luống; làm đất; trồng và chăm sóc cây rau; phòng trừ sâu bệnh theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM - kiểm soát dịch bệnh phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cơ sở kết hợp các hiệu quả từ quy luật của sinh thái đồng ruộng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định…
Bà Đồng Thị Tuyết Thu (thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) chia sẻ: Khi tham gia các lớp học, nông dân mới biết rằng cách mình trồng cây, rau theo kinh nghiệm lâu nay là chưa đúng. Cũng là cây trồng, nhưng chăm sóc lúa, rau, hoa màu, mỗi loại đều có kỹ thuật riêng, từ đó nông dân chủ động chọn phương pháp phù hợp để sản xuất. Chẳng hạn, với rau ăn lá, thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch ngắn, cho nên không áp dụng và không khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thay vào đó chuyên gia hướng dẫn người trồng chọn giống phù hợp với chân đất, mỗi luống, mỗi hộ chọn giống rau xen canh để phát triển…
Ông Phạm Tất Phát, Điều phối viên dự án Rau an toàn Bình Định, cho hay: “Lớp học FFS mang lại hiệu quả ở chỗ giúp nông dân chủ động tiếp cận tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp, từ đó họ là người tự định hướng và quyết định chọn hay không chọn giống cây, quy trình canh tác cho cánh đồng của mình. Nông dân được đào tạo qua lớp học càng hiểu rõ hơn về thổ nhưỡng, vùng trồng. Dẫn chứng là nông dân ở xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), hiệu quả từ các lớp FFS thấy rõ khi nhóm cùng sở thích ở đây phát triển được những giống rau ôn đới phù hợp, có hiệu quả; lên kế hoạch sản xuất và chủ động kết nối với Văn phòng dự án để tiếp thị sản phẩm. Rõ ràng, với cách học này, không còn rào cản nào để ngăn việc nông dân chủ động tiếp cận với tiến bộ KHKT”.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT), nhìn nhận: Phương pháp học trực tiếp trên đồng ruộng đưa đến cách tiếp cận không chỉ gần gũi, thực tế mà còn chủ động hơn cho dân so với cách thức truyền thống (tập huấn, hội thảo, trao đổi lý thuyết). Do đó, Trung tâm lồng ghép hình thức đào tạo này vào các mô hình khuyến nông trên địa bàn tỉnh, cán bộ kỹ thuật “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo cho nông dân ngay trên đồng ruộng. Kết quả cho thấy, không chỉ hộ nông dân được chọn tham gia mô hình thực hiện mà các hộ lân cận trong quá trình theo dõi nắm bắt cũng chủ động thực hành ở chân ruộng nhà mình. Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai 14 mô hình trồng trọt với gần 1.000 hộ tham gia.
THU DỊU