Điện về các huyện đảo: Thắp sáng những giấc mơ
Những ngày này, người dân huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đang vô cùng phấn khởi vì đã được đón lưới điện quốc gia. Trước đó, trung tuần tháng 10 năm 2013, cư dân huyện đảo Cô Tô cũng đã được hưởng không khí phấn khởi này. Có thể khẳng định, một trong những sự kiện tiêu biểu của ngành Công thương năm 2013 chính là những nỗ lực đưa điện tới những huyện đảo xa xôi. Tương lai gần, sẽ có 10/12 huyện đảo được hòa lưới điện quốc gia.
Cô Tô: Hết "khát” điện
Ngày 16.10.2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức mang ánh sáng của điện lưới quốc gia đến với hàng ngàn người dân huyện đảo Cô Tô (Vân Đồn, Quảng Ninh). Dù không nói ra song ai cũng có thể cảm nhận được niềm vui của người dân huyện đảo lớn như thế nào trong cái ngày đáng nhớ ấy. Không nhớ sao được khi mà một thời gian quá dài, người dân nơi đây thường xuyên phải sống trong cảnh "khát” điện. Trước thời điểm lưới điện quốc gia "đặt chân” đến đây, mỗi ngày người dân đảo Cô Tô chỉ được "hưởng” ánh sáng điện khoảng 7h/ ngày. Thiếu điện, hầu như những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân Cô Tô đều rất hạn chế. Đặc biệt, Cô Tô cũng là một trong những điểm nằm trong chiến lược phát triển du lịch quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, thiếu điện ảnh hưởng không nhỏ đến sức hút của ngành công nghiệp không khói nơi đây.
Sự kiện điện về huyện đảo Cô Tô không những thay đổi đời sống của người dân nơi đây mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tạo đà cho du lịch phát triển. Chị Hồ Thu Thủy, một người dân kinh doanh dịch vụ du lịch ở huyện đảo này cho biết, điện là một trong những sản phẩm đầu vào của nhiều lĩnh vực nên thiếu điện thì chúng tôi khó có thể phát triển các dịch vụ du lịch. "Điện về đảo sẽ giúp cho chúng tôi giảm bớt gánh nặng về tiền điện, từ đây người dân đảo Cô Tô hoàn toàn có thể chủ động để sản xuất, kinh doanh nhiều thứ mà trước đây muốn cũng không làm được vì thiếu điện”, chị Thủy tâm sự.
Phú Quốc: Niềm vui nhân đôi
Đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, người dân huyện đảo Phú Quốc còn được nhân đôi niềm vui đón điện lưới quốc gia hôm 2.2.2014 vừa qua.
Là đảo lớn nhất Việt Nam và được nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài biết đến, Phú Quốc (Kiên Giang) đang là huyện đảo có tiềm năng lớn nhất trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, ngành công nghiệp không khói nơi đây luôn bị giảm sức hấp dẫn chỉ vì cảnh thiếu điện diễn ra suốt năm này qua năm khác. Người dân sống trên huyện đảo Phú Quốc thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu điện, và muốn có được nguồn điện quý giá phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, thì họ phải trả tiền điện cao gấp nhiều lần so với giá điện ở đất liền. Nhiều người dân ở ấp Gành Dầu, huyện Phú Quốc đã phải than thở rất nhiều vì họ đã phải trả giá điện lên tới 25.000 đồng/ kWh nếu muốn có điện để phục vụ những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu (vì phải mua điện của tư nhân – PV), trong khi với số tiền này ở đất liền, người dân đã có thể mua được khoảng 6kWh từ nguồn điện lưới quốc gia. Đây cũng là lý do để một huyện đảo giàu tiềm năng du lịch như Phú Quốc khó có thể phát triển mạnh mẽ.
Và sự kiện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) chính thức đóng điện tuyến cáp ngầm từ thị xã Hà Tiên ra Phú Quốc hôm 2.2 vừa qua thực sự là niềm vui lớn dành cho người dân huyện đảo Phú Quốc trong dịp đầu năm Giáp Ngọ 2014 này.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, dự án điện với tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển nối Hà Tiên với Phú Quốc là một dự án có tầm quan trọng không chỉ đối với người dân huyện đảo Phú Quốc, mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ của ngành điện Việt Nam. Bởi, đây là dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, là tuyến cáp ngầm dài nhất Đông Nam Á lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam.
Lý Sơn: Giấc mơ sắp thành hiện thực
Theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cuối năm 2014 này, giấc mơ có điện của người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ trở thành hiện thực. Đại diện EVN cho biết, việc Chính phủ phê duyệt đưa điện ra đảo Lý Sơn bằng tuyến cáp ngầm sẽ xóa tan mọi thấp thỏm trước đó của dư luận về việc khó có khả năng nào đưa được điện ra huyện đảo xa xôi này. Nói như vậy là bởi, không ít những đề xuất của giới chuyên gia, nhà nghiên cứu trước đó về việc đưa điện ra Lý Sơn bằng các dự án điện gió, năng lượng mặt trời, nhà máy nhiệt điện… đều không mang tính khả thi. Những tưởng ước mong của người dân Phú Quốc về một ngày được đón dòng điện lưới quốc gia đã khó thành hiện thực, thì nay, ngành điện đang nhen lên cho người dân nơi đây một niềm hy vọng mới.
Như vậy, sau huyện đảo Cô Tô và Phú Quốc, hơn 20.000 người dân huyện đảo Lý Sơn sẽ là những cư dân vùng đảo xa xôi sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia. "Có điện, cư dân huyện đảo chúng tôi sẽ được đổi đời” – chị An Thị Mai, một người dân nơi đây bày tỏ niềm phấn khởi và hy vọng.
Còn nhớ, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã hơn một lần nhấn mạnh về những nỗ lực của ngành điện trong việc kéo điện lưới quốc gia đến các huyện đảo xa xôi của Việt Nam. Theo ông, việc "phủ sóng” này của điện lưới quốc gia không chỉ giúp thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội cư dân huyện đảo, mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển đảo và khả năng chinh phục thiên nhiên. Rồi đây, hàng chục ngàn cư dân các huyện đảo sẽ không còn phải sống trong cảnh thấp thỏm vì cơn "khát” điện đe dọa hằng ngày.
Theo nhận định của EVN, cho đến hết năm 2014, Tập đoàn này sẽ quản lý lưới điện ở 10/12 huyện đảo của cả nước. Ánh sáng của điện lưới quốc gia đang dần được thắp lên trên từng huyện đảo của đất nước Việt Nam. Và, giấc mơ của cư dân nơi huyện đảo xa xôi đang dần biến thành hiện thực.
. Theo Duy Phương (Đại đoàn kết)