XÂY DỰNG TRÁI PHÉP Ở ĐÊ ĐÔNG (HUYỆN TUY PHƯỚC):
Vi phạm nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu!?
Thời gian gần đây, một số người dân ở thôn Phổ Trạch, Quảng Vân (xã Phước Thuận) và thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn) ngang nhiên chiếm dụng nhiều diện tích đất trong phạm vi đê Đông để xây dựng công trình trái phép. Tính từ tháng 1 đến cuối tháng 5.2021, tại các địa phương này xảy ra 4 trường hợp vi phạm (xã Phước Thuận 3 trường hợp, xã Phước Sơn 1 trường hợp). Trước đó, từ tháng 3.2020 đến cuối tháng 12.2020, trên địa bàn huyện Tuy Phước cũng xảy ra 28 trường hợp xâm hại, xây dựng công trình trái phép trên đê Đông. Trong đó, xã Phước Thuận 4, xã Phước Sơn 17, xã Phước Hòa 6 và xã Phước Thắng 1 trường hợp.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, tính từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng có 59 trường hợp xây dựng công trình trái phép trong phạm vi đê Đông. Đa số trường hợp lấn chiếm diện tích lớn và công khai xây dựng các công trình, như: Nhà ở; quán bán nước giải khát; móng, nền nhà; móng lán trại… Chính quyền các địa phương đã không phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn; đến nay mới chỉ có 5 trường hợp tự tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu.
Một công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đê Đông, đoạn tiếp giáp giữa xã Phước Sơn và xã Phước Thuận. Ảnh: VĂN LỰC
Theo lý giải của các địa phương nói trên, do người dân thường xây dựng công trình vào ngày cuối tuần, khi địa phương phát hiện thì công trình đã xây xong nên khó xử lý(?).
Theo ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, công trình vi phạm khi đã xây dựng xong, có diện tích lớn, vượt thẩm quyền xử lý của cấp xã nên địa phương gặp khó khăn, lúng túng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng công trình vi phạm xảy ra nhiều, nhưng số lượng xử lý ít. Nhưng ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho rằng: “Chính quyền các xã thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn công trình xây dựng vi phạm ngay từ đầu. Khi công trình đã “nên hình”, các địa phương lại đưa ra lý do vượt thẩm quyền nên việc xử lý bị kéo dài, không triệt để”.
Cũng theo ông Khiêm, trước tình trạng này, mới đây Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước yêu cầu Chủ tịch UBND các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận báo cáo tình hình xử lý vi phạm từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, các địa phương nêu những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị để UBND huyện xem xét chỉ đạo xử lý kiên quyết, dứt điểm; đảm bảo kỷ cương, thực hiện đúng quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, bảo vệ công trình thủy lợi và đê điều.
Theo Nghị định 104/2017/NĐ-CP ngày 14.9.2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều, thì tại điểm b, khoản 6 và điểm a, khoản 9, Điều 20, phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng; buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều; trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.
VĂN LỰC