Công nghệ mới nâng cao hiệu quả trồng rừng
Áp dụng công nghệ nuôi cấy mô phân sinh tiên tiến, 3 năm gần đây, DN tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) đã cải thiện rõ rệt năng lực sản xuất. Theo đó mỗi năm DN có thể sản xuất 6 triệu cây giống trong đó 2 triệu cây cấy mô chất lượng cao - điều mà kỹ thuật cũ không thể đáp ứng được. Không chỉ tạo ra cây giống lâm nghiệp có khả năng sinh trưởng tốt, chất lượng cao, công nghệ mới còn góp phần thúc đẩy việc trồng rừng gỗ lớn ở tỉnh ta.
Năm 2018 trong khuôn khổ Dự án “Ứng dụng KHKT phát triển hệ thống công nghệ sản xuất cây giống lâm nghiệp mới, chất lượng cao phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn tại các huyện miền núi tỉnh Bình Định”, Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa h ọ c L â m n g h i ệ p Việt Nam) chuyển giao cho DN tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh công nghệ nuôi cấy mô phân sinh tiên tiến, kèm theo đó là 6 giống cây lâm nghiệp mới gồm: Keo lá tràm (Clt 7, Clt18, Clt26); Bạch đàn Caman (C55, BV22); Bạch đàn lai UP54. Sau khi tiếp nhận công nghệ mới, đội ngũ kỹ sư ở Nguyên Hạnh nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của khu vực miền Trung và đặc biệt là tỉnh Bình Định, đảm bảo quy mô sản xuất công nghiệp.
Kiểm tra cây giống trong phòng nuôi cấy mô. Ảnh: HỒNG HÀ
Bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DN tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh chia sẻ: Trước đây chúng tôi thường nhân giống bằng hạt, cách làm này có mức rủi ro cao, năng suất thấp, chất lượng cây giống ít đồng đều. Công nghệ nuôi cấy mô phân sinh tiên tiến cho phép nhân giống nhanh, số lượng lớn, chất lượng cây giống gần như đồng nhất. Từ một cây mẹ một năm tuổi có chất lượng tốt, với công nghệ mới, ta có thể nhân lên hàng triệu cây con mang đầy đủ toàn bộ đặc điểm tính trạng của cây mẹ, bao gồm: Khả năng sinh trưởng, phát triển, năng lực chống chịu sâu bệnh, chất lượng gỗ… Cùng với công nghệ, 6 giống cây lâm nghiệp mới mà chúng tôi tiếp nhận có ưu điểm phát triển nhanh, lợi gỗ, ít bị đổ gãy khi mưa bão, chịu hạn và kháng bệnh tốt. Đặc biệt, cây keo lá tràm cho chất lượng gỗ tốt, phù hợp để trồng rừng gỗ lớn, có thể thay thế cho cây keo lai.
“Với nhiều ưu điểm, hiệu quả kinh tế cao, trồng rừng gỗ lớn bằng cây giống cấy mô là xu hướng tất yếu. Tỉnh Bình Định hiện có hơn 2.400 ha rừng gỗ lớn. Theo kế hoạch trồng rừng năm 2021 sẽ trồng thêm 834 ha nữa!”.
Ông HUỲNH NGỌC BẢO, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm
Trong khuôn khổ Dự án, Nguyên Hạnh hỗ trợ 4 hộ dân tại 4 huyện: Phù Cát, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân sử dụng giống mới trồng 40 ha rừng cây gỗ lớn (10 ha/hộ). Đồng thời, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cây giống (keo lá tràm, bạch đàn) bằng công nghệ kết hợp mô - hom cải tiến cho 4 vườn ươm tham gia dự án, mỗi vườn đạt năng lực sản xuất 1 triệu cây giống/năm. Chưa dừng lại đó, bằng vốn riêng DN tư nhân Nguyên Hạnh còn hỗ trợ nhiều cá nhân và tổ chức trong tỉnh trồng thêm 55 ha rừng sử dụng loại cây giống mới chất lượng cao, qua đó góp phần tạo động lực cho phong trào chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.
Ông Phan Sĩ Hùng, một chủ rừng ở huyện Phù Cát sở hữu 30 ha rừng keo lá tràm cấy mô theo hướng trồng rừng gỗ lớn tâm sự: “Trồng rừng gỗ lớn sử dụng cây keo lai như xưa nay phải mất ít nhất khoảng 20 năm. Nhưng với giống keo lá tràm cấy mô, thực tế mấy năm qua cho thấy chỉ mất chừng 5 - 7 năm, tối đa là 10 năm là đã có thể thu hoạch gỗ lớn!”.
HỒNG HÀ