Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Bước sang năm thứ 3 thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” giai đoạn 2019 - 2022 cho thấy việc tổ chức thực hiện càng đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu cao hơn của công tác này.
Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn
Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” giai đoạn 2019 - 2022 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Đề án), đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch và hòa giải viên. Chương trình tập huấn tập trung vào các nội dung cơ bản trong công tác hòa giải ở cơ sở như: Nắm bắt nguyên nhân phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của các bên; xác định tính chất của tranh chấp và vận dụng kiến thức pháp luật có liên quan để giải quyết…, bên cạnh đó, lựa chọn phổ biến một số chuyên đề pháp luật, hướng dẫn xử lý các tình huống hòa giải xoay quanh các vấn đề đất đai, hôn nhân và gia đình… vốn thường xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong thực tế.
Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2019 do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: CẨM THI
Nét mới đáng ghi nhận ở hoạt động tập huấn là việc “thử nghiệm” cho học viên sáng tác, dàn dựng và biểu diễn tiểu phẩm tuyên truyền ngay tại các buổi học. Thông qua các tình huống giả định thường xảy ra trong cuộc sống do báo cáo viên đưa ra và nhất là những tiểu phẩm gần gũi, sinh động mà chính học viên - hòa giải viên là tác giả kiêm diễn viên, báo cáo viên và hòa giải viên đã cùng phân tích, trao đổi, đưa ra hướng xử lý, cách hòa giải thấu tình đạt lý nhất. Cách tổ chức này bên cạnh làm tăng tính thu hút cho hoạt động tập huấn, còn tạo điều kiện để hòa giải viên chuyển hóa những kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng mang tính lý thuyết sang thực hành “hòa giải mẫu” ngay tại lớp học trước khi vận dụng vào thực tế hòa giải tại địa phương.
“Lớp tập huấn đã trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng để từ đó hòa giải viên vận dụng vào việc hòa giải ở cơ sở tại địa phương, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư”, hòa giải viên Nguyễn Văn Bình ở xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ.
Xây dựng đội ngũ tập huấn có chất lượng
Phát huy kết quả qua 2 năm tổ chức thực hiện, Đề án năm 2021 được xây dựng theo hướng trọng điểm, đi vào chiều sâu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…, hướng tới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác hòa giải ở cơ sở.
Theo Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2021 được UBND tỉnh ban hành ngày 4.6, 1 trong 2 điểm mới, trọng tâm của Đề án so với trước đó là tập trung xây dựng đội ngũ tập huấn viên ở cấp tỉnh, cấp huyện có chất lượng.
“Muốn có hòa giải viên giỏi thì trước hết cần phải xây dựng được đội ngũ “thầy” giỏi, có đầy đủ kiến thức, phương pháp và cẩm nang làm cơ sở đào tạo, nâng cao năng lực cho hòa giải viên”, bà Hồ Mỹ Ngọc Chân, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp, nhấn mạnh.
Hoạt động trọng tâm nữa là trong năm 2021, Đề án tiếp tục được thực hiện điểm và mở rộng thêm một số đơn vị cấp xã. Theo Sở Tư pháp, thông qua các hoạt động điểm đã thực hiện vào năm 2020 tại thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát như: Hướng dẫn rà soát, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở; trực tiếp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên; hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ nghiệp vụ thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp tài sản có giá trị lớn... cho thấy đã tác động tích cực trong việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, hiệu quả hoạt động của hòa giải viên cũng như chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Do vậy, bên cạnh tiếp tục thực hiện tại thị trấn Ngô Mây, Đề án sẽ được nhân rộng thực hiện điểm tại một số đơn vị cấp xã khác, ưu tiên địa bàn có tỷ lệ hòa giải thành thấp hoặc có vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Dân, để phát huy hiệu quả hoạt động của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, bên cạnh thực hiện tốt Đề án, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ hòa giải viên là rất quan trọng. “Qua kiểm tra cho thấy, việc chi trả chế độ cho hòa giải viên theo Quyết định số 02/2016/ QĐ-UBND ngày 26.1.2018 của UBND tỉnh còn một số vướng mắc, do đó Sở Tư pháp đã có văn bản kiến nghị giải quyết. Nếu gỡ được vướng mắc chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở”, ông Dân tin tưởng.
SAO LY