Giữ nghề đan lát truyền thống ở vùng cao An Toàn
Đến thôn 2 xã An Toàn, huyện An Lão, không khó để bắt gặp những cụ già người Ba na ngồi đan lát dưới hiên nhà. Những bàn tay khéo léo đã tạo nên những sản phẩm bình dị mà tinh tế, trở thành những vật dụng hữu ích gắn liền với việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người dân vùng cao.
Hai vợ chồng nghệ nhân Đinh Văn Niên đan các sản phẩm từ tre, nứa. Ảnh: DIỆP THỊ DIỆU
Để có nguyên vật liệu tốt, phải chịu khó vào rừng chọn những cây lồ ô, nứa, tre, mây loại không già, không non, có đốt dài về đan gùi. Đây là một trong những khâu quan trọng quyết định độ bền của một chiếc gùi. Bởi, nếu chọn quá già khi đan các nan dễ bị gãy, còn với những cây còn non, khi sản phẩm hoàn thiện thì nan đan thường bị co, tạo thành những kẽ hở ở sản phẩm...
Già làng Đinh Văn Nao, đã ngoài 80 tuổi, có hơn 60 năm gắn bó với công việc đan lát. Đôi bàn tay của già gầy gò, nhăn nheo nhưng vẫn thành thạo từng đường đan, những sợi nan đan móc vào nhau chính xác, đẹp mắt. Theo già Nao, có nhiều vật dụng đơn giản được đan từ tre, mây, lồ ô, nứa… Riêng đối với các loại gùi thì cách đan cũng có phần khác nhau, như gùi dùng để đựng lúa thì đan kín dày từ trên xuống dưới; gùi đi lấy củi, gùi nước, gùi mang rau, măng, bỏ vật dụng sinh hoạt thì đan thưa hơn, có khoảng hở ở đoạn giữa gùi; gùi nhỏ dành cho trẻ em. Loại gùi dùng để đựng trang phục thổ cẩm, trang sức thì đan công phu hơn, trang trí những dãy hoa văn truyền thống của người Ba na chạy quanh thân gùi.
Già Nao chia sẻ: “Để hoàn thành được một chiếc gùi có hoa văn đẹp phải ít nhất 2 ngày, còn gùi thông thường thì chỉ 1 ngày là xong, bán từ 150 - 450 nghìn đồng/chiếc, tùy theo loại. Rổ, rá thì chỉ đan khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ, bán từ 20.000 - 25.000 đồng/cái”.
Nghệ nhân Đinh Văn Niên đang cặm cụi đan, chia sẻ, bình quân mỗi ngày ông đan được 1 chiếc gùi và 2 - 3 sản phẩm khác như mẹt, sàng... theo yêu cầu,
có thêm thu nhập cho gia đình. “Mình gắn bó với nghề đan lát hơn 40 năm rồi, ngày nào không bận việc làm nông thì đan lát”, ông Niên bộc bạch.
Dù hiện nay “đầu ra” cho sản phẩm đan lát của đồng bào miền núi không ổn định và ngày càng giảm dần, nhưng những ai còn có thể làm được đều gắn bó với công việc này vì nó đã là một phần trong đời sống văn hóa tinh thần của họ.
DIỆP THỊ DIỆU