Dạy con từ những bài học cuộc sống
Những ngày qua, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng lên ở nước ta làm ảnh hưởng và xáo trộn cuộc sống của nhiều gia đình. Nhưng đó cũng là những bài học từ thực tế giúp trẻ biết sẻ chia, yêu thương và biết sống vì cộng đồng.
Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và gia đình cũng không nằm ngoài quy luật đó. Điều dễ thấy nhất là thói quen sinh hoạt của nhiều gia đình đã có sự thay đổi.
Chương trình "Gia đình Việt" - VOV2
Với gia đình chị Nguyễn Thị Thảo ở khu đô thị La Khê, Hà Đông, Hà Nội cũng vậy. Thay vì 7 giờ sáng đã phải ra khỏi nhà thì nay các con được nghỉ học, chị Thảo làm việc tại nhà. Không được đến trường, đến lớp, không được đi chơi, các con cũng tù túng. Thế nên chị Thảo đã tận dụng thời gian này để dạy con làm việc nhà. Theo chị Thảo đây cũng là một cách để chị giúp con biết yêu quý sức lao động và chia sẻ với bố mẹ công việc hàng ngày.
Cha mẹ ai cũng thương con, cũng mong muốn sau này con trưởng thành, trở thành những người có ích cho xã hội. Vậy nên điều anh Nguyễn Danh Hồng ở phố Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội dạy con chính là phải biết chia sẻ, biết yêu thương.
Tận dụng thời gian dịch bệnh nghỉ học, anh khuyến khích con trai làm việc nhà và được bố mẹ thưởng khích lệ. Mỗi công việc con làm sẽ được bố mẹ trả 5.000 đồng, số tiền tích cóp được hơn 1 tháng qua đã được cháu đóng góp để ủng hộ phòng chống dịch tại Bắc Giang. Anh Hồng cho biết: Đây không chỉ đơn thuần là muốn các con biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn mà còn là một cách để anh dạy các con đạo làm người.
Yêu thương con không có nghĩa là bao bọc con. Đây chính là cách giáo dục con của vợ chồng chị Nguyễn Minh Tuyết ở đường Nguyễn Khuyến, Hà Đông, Hà Nội. Hai vợ chồng chị Tuyết đều rời quê lên Hà Nội học tập và lập nghiệp. Cuộc sống xa quê, chị Tuyết đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là những khi gia đình có việc, một mình chị phải lo toan đủ điều. Chính vì thế, chị Tuyết luôn coi trọng việc dạy con biết tự lập và làm công việc nhà để đỡ đần cho mẹ. Ví dụ lên 3 tuổi, bé có thể tự làm vệ sinh cá nhân, biết thu dọn phòng ngủ, 6 tuổi bé biết tự học và sắp xếp lịch học tập cho mình. Ngoài thời gian học, bé có thể giúp mẹ quét nhà, gấp quần áo.... Lớn hơn chút nữa cháu đã có thể cắm cơm, làm một số món ăn đơn giản...
Trong lần dịch này, cả hai con phải nghỉ học nhưng chị Tuyết hoàn toàn yên tâm công tác vì cô con gái lớn đã biết trông em, biết nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa để đỡ đần bố mẹ. Chị Tuyết cho rằng, những bài học thực tế này sẽ giúp các con biết sống có trách nhiệm với gia đình, sau này ra xã hội, sẽ dễ thích nghi với cuộc sống.
Những câu chuyện về dịch bệnh, những em bé phải đi cách ly khi không có bố mẹ bên cạnh đều được chị Tuyết kể cho các con. Thậm chí ngay cả những khó khăn về kinh tế của gia đình khi dịch bệnh trở lại chị cũng không ngần ngại chia sẻ với con. Cũng bởi vậy mà bé Vũ Trà My cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm giúp bố mẹ công việc nhà và chăm sóc em. Có thể bé nhặt rau chưa được sạch hay cắm cơm vẫn còn lúc ướt, lúc khô nhưng những trải nghiệm đó sẽ giúp con càng thêm yêu quý và trân trọng những người thân yêu của mình.
Dạy con từ chính thực tế cuộc sống hàng ngày, những bài học đó sẽ theo năm tháng khắc ghi trong con. Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà thì những hành động, lời nói của người lớn sẽ dạy con về đạo hiếu, lòng nhân ái, chí hướng phấn đấu, tinh thần trách nhiệm.
Nhân cách của mỗi người bao gồm hai mặt tài và đức, trong đó gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức và ươm mầm tài năng cho các con. Gia đình giáo dục tốt thì chắc chắn các em sẽ là những công dân tốt, có ích cho xã hội.
Theo Ngọc Hà (VOV2)