Chị Nga nhiều sáng kiến
Chị Tống Thị Huỳnh Nga, sinh năm 1970, ở Phòng Quản lý, Nuôi dưỡng, Y tế, Phục hồi chức năng trực thuộc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh là người có nhiều giải pháp sáng tạo trong công tác chăm sóc người khuyết tật tại Trung tâm.
Chị Nga tốt nghiệp trung cấp công tác xã hội chuyên ngành Giáo dục - chăm sóc người khuyết tật, về Trung tâm làm việc từ năm 1999 đến nay, nhiệm vụ được phân công là trực tiếp giáo dục, chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại nhà trẻ và phục vụ chăm sóc đối tượng lớn tuổi khuyết tật tại phòng chăm sóc đặc biệt. Chị bảo, đi học lĩnh hội bao kiến thức, kỹ năng hữu ích nên lúc học xong, chị vận dụng những gì đã học, nghĩ ra giải pháp phù hợp, áp dụng vào thực tiễn công việc hằng ngày. Năm 2016, chị tổ chức loạt hoạt động cho trẻ khuyết tật như cho trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi hằng ngày như trẻ bình thường; cùng xem tivi và nói chuyện với trẻ; trang trí hội trường tổ chức tết thiếu nhi, rằm trung thu để các em cảm nhận tình cảm yêu thương mọi người dành cho mình. Kết quả đạt được là trẻ vui vẻ, linh hoạt hơn trước, dần dần cảm nhận được tình cảm các cô gửi gắm, sức khỏe cũng cải thiện hơn.
Cụ Dương Thị Bế, 90 tuổi, thương và xem chị Nga như con gái ruột của mình. Ảnh: KHÁNH HUÂN
Năm 2017, chị nghĩ cách chăm sóc người khuyết tật lớn tuổi nằm lâu lở loét, nhất là cách chăm sóc vết thương lở, cách tắm gội bệnh nhân nằm tại giường. Kết quả một thời gian sau, một số đồng nghiệp làm theo chị không còn thấy đây là công việc nặng nhọc, ngược lại còn gần gũi hơn với đối tượng, giúp họ thoải mái, yên tâm. Năm 2018, chị vận dụng kiến thức môn tâm thần học để cải thiện tinh thần cho cả đối tượng trẻ em và người lớn. Năm 2019, chị soát xét lại những việc đã làm của năm qua, đề ra giải pháp với những phần việc chưa đạt hiệu quả, nhờ vậy, tất cả đối tượng được chị chăm sóc hòa nhập vào môi trường xung quanh, phát huy khả năng bản thân trong sinh hoạt hằng ngày. Năm 2020, chị vận dụng kiến thức từ một số lớp tập huấn và nghĩ ra cách tập cho người khuyết tật nghe, nói và hiểu những gì mình nói. Khi chăm sóc họ, hay lúc cho ăn, chị đặt câu hỏi để họ trả lời rồi cố gắng lắng nghe phản hồi từ họ.
Bà Hà Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm đánh giá, những sáng kiến của chị Nga luôn mang lại hiệu quả, không chỉ giúp đối tượng khuyết tật cải thiện tinh thần, sức khỏe, tìm thấy niềm vui sống mà giúp công việc các chị làm hằng ngày nhẹ nhàng, dễ dàng, hiệu quả đạt được tốt hơn nữa.
KHÁNH HUÂN