Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tuy Phước:
Tăng cường giáo dục giới tính cho vị thành niên và phụ huynh
Vị thành niên là giai đoạn phát triển nhanh về thể chất và tâm sinh lý. Các em đang sống trong bối cảnh tràn ngập những thông tin về tình yêu, tình dục trên sách báo, phim ảnh, internet… Vì thế, các bậc phụ huynh đừng nên nghĩ giáo dục giới tính cho con là “vẽ đường cho hươu chạy”.
Những chuyện tình thơ dại
N.T.T học lớp 11, là “á khôi” của một trường THPT. Chỉ vì yêu sớm mà em đã có thai, phải nghỉ học và sinh con một mình ở tuổi 17, còn chàng người yêu đã cao chạy xa bay. Còn N.T.K.T đang học lớp 12 ở một trường THPT thuộc vùng nông thôn cho biết, khi mới phát hiện có thai em đã nói cho bạn trai biết nhưng đã hơn 2 tháng qua mà bạn ấy vẫn chẳng nói gì, hiện em không biết nên giữ hay bỏ thai. Hay chuyện tình của T. và N. - cả hai đều là học sinh khá, giỏi. Năm học cuối cấp (năm học 2012-2013), 2 bạn thường dành nhiều thời gian để ôn bài chung. Kết quả là N. có thai do cả hai không kiểm soát được tình cảm. T. tiếp tục học lên đại học còn N. phải ở nhà sinh con. Đây chỉ là ba trong số hàng chục trường hợp tình yêu tuổi học trò gây hậu quả đáng tiếc đã xảy ra ở huyện Tuy Phước.
Trong những năm qua, Trung tâm DS-KHHGĐ đã phối hợp với Huyện đoàn Tuy Phước tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Sức khỏe sinh sản vị thành niên” ở các trường THPT, THCS. Tại các buổi truyền thông tư vấn, nhiều câu hỏi về đời sống tình dục được các em quan tâm như: vì sao em chưa dậy thì? em có thuộc giới tính thứ 3 hay không? thủ dâm có hại cho sức khỏe hay ảnh hưởng đến quan hệ tình dục sau này hay không? làm thế nào để biết mình có thai, phá thai có tác hại gì không? quan hệ lúc nào thì hiệu quả tránh thai cao nhất? dùng thuốc tránh thai khẩn cấp như thế nào? chăm sóc sức khỏe trong những ngày “đèn đỏ”? những bệnh lây truyền qua đường tình dục?...
Nhiều bạn nữ đặt câu hỏi: không có thai mà uống thuốc phá thai thì có tác hại gì không? làm thế nào để từ chối những “yêu cầu” của “người ấy”? Còn các bạn nam lại hỏi: làm thế nào để kiểm soát “chuyện đó”? có nên đáp trả những “đòi hỏi chính đáng” của bạn gái không?…
Tăng cường giáo dục giới tính
Vẫn có nhiều phụ huynh cho rằng giáo dục giới tính là “vẽ đường cho hươu chạy” nên lảng tránh trả lời, thậm chí quát nạt khi trẻ thắc mắc về giới tính, tình bạn, tình yêu… Mới đây, tại một buổi truyền thông được Trung tâm DS-KHHGĐ với Hội LHPN huyện tổ chức, chị Cúc ở thị trấn Diêu Trì, kể: “Khi con gái hỏi, tôi chỉ bảo khi lấy chồng rồi con sẽ biết”. Nhiều học sinh nam của Trường THPT Tuy Phước 1 đã chia sẻ: “Tụi em tự tìm hiểu, chứ hỏi ba mẹ sẽ bị ăn đòn ngay, vì “học không học mà lo yêu đương, học đòi chuyện người lớn””.
Ngày nay, thanh thiếu niên có điều kiện tiếp xúc sớm với nhiều nguồn thông tin nhưng thiếu hiểu biết và không được giáo dục để có hành vi đúng, nên dễ dẫn đến quan hệ giới tính thiếu trách nhiệm, thiếu văn hóa và đạo đức. Do đó, giáo dục giới tính là việc làm cấp thiết cho cả vị thành niên và phụ huynh. Giáo dục giới tính là vấn đề hết sức tế nhị, trong đó cha mẹ phải là “người thầy đầu tiên”. Việc giáo dục giới tính phải được bắt đầu từ những năm tháng đầu đời của trẻ cho đến lúc trưởng thành với những từ ngữ, cử chỉ đơn giản, dễ hiểu nhằm tác động đến nhận thức, thái độ và hình thành kỹ năng ứng xử trong quan hệ với người khác giới của con trẻ.
Hiện nay, các hoạt động giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản được Trung tâm DS-KHHGĐ huyện triển khai tại hầu hết các trường THPT và THCS. 9 câu lạc bộ vị thành niên được thành lập và duy trì với các hoạt động như sinh hoạt chuyên đề, “Hái hoa dân chủ”, “Rung chuông vàng” để tư vấn, giáo dục kỹ năng sống về tình bạn, tình yêu và tình dục ở tuổi vị thành niên cho học sinh. Hòm thư những điều thắc mắc về sức khỏe sinh sản bước đầu đã được thực hiện tại văn phòng các Đoàn trường để học sinh đặt câu hỏi và chia sẻ những điều khó nói.
Bên cạnh đó, thông qua đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt của Hội LHPN Việt Nam, trong năm 2013, Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức nhiều buổi truyền thông, giúp hơn 1.000 bà mẹ có con dưới 16 tuổi nắm vững kiến thức, kỹ năng giáo dục giới tính cho con, giúp trẻ sống đúng với giới tính của mình. Đồng thời, có quan điểm tích cực về tình dục cũng như có thái độ, hành vi đúng và có trách nhiệm đối với bản thân và người khác giới.
Gia đình là tổ ấm tin cậy và yêu thương nhất, là nơi để con trẻ giãi bày những băn khoăn, thắc mắc có tính thầm kín, tế nhị. Cha mẹ cần được cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng để giáo dục giới tính cho trẻ. Đối với vị thành niên, trước ngưỡng cửa cuộc đời, các em cần được trang bị kiến thức và kỹ năng sống về sức khỏe sinh sản. Đó là hành trang quan trọng để các em vượt qua những cám dỗ, vấp ngã, vững bước vào đời.
ĐỖ THỊ THU
(Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tuy Phước)