Bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác thủy sản xa bờ: Cần được quan tâm hơn
Toàn tỉnh hiện có 5.951 tàu cá, hơn một nửa trong số đó khai thác thủy sản xa bờ ở khắp các ngư trường trong cả nước. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch của các tàu cá chưa tốt, nên chất lượng sản phẩm thấp, làm giảm giá trị và tổn thất sau thu hoạch cao.
Chưa chú ý bảo quản sản phẩm
Đối với các tàu khai thác xa bờ đi dài ngày trên biển, ngư dân đều mang theo đá lạnh để bảo quản sản phẩm. Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Bình, tàu cá đánh bắt xa bờ của Bình Định chủ yếu bảo quản sản phẩm bằng đá xay nên độ lạnh không đảm bảo. Điều này còn do chất lượng nước đá của Bình Định kém so với các tỉnh lân cận như Phú Yên, Khánh Hòa, tình trạng nước đá bị nhiễm phèn và đá “non” rất phổ biến. Đa số các tàu làm hầm bảo quản bằng các vật liệu thông thường như xốp, gỗ, mút, khả năng cách nhiệt, cách ẩm chưa cao. Bên cạnh đó, hệ thống kho lạnh phục vụ cho bảo quản thủy sản tại cảng cá còn thiếu. Do đó, khi lượng thủy sản về nhiều, các đại lý thu mua xử lý chậm làm giảm chất lượng sản phẩm.
Ngư dân trên tàu đánh bắt xa bờ của ông Phan Thanh Trưởng (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) dùng đá xay trong khâu bảo quản ban đầu. Ảnh: Chủ tàu cung cấp
Anh Thanh Tùng, gia đình làm đại lý thu mua thủy sản ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, chia sẻ: Nhiều thời điểm tàu tập trung rất nhiều ở cảng cá, cần lượng đá lớn để ra khơi đánh bắt, trong khi hầu hết các cơ sở đều có quy mô nhỏ nên thường rút ngắn thời gian sản xuất để cung cấp, dẫn đến đá cây còn “non”, có khi rỗng bên trong... Do cần nên các chủ tàu chấp nhận bỏ thêm tiền mua đá nhiều hơn dù chất lượng không đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến việc bảo quản thủy sản trên tàu.
Ông Phan Thanh Trưởng, chủ tàu cá ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, cho biết: “Đối với những tàu thường xuyên khai thác xa bờ như chúng tôi, chi phí mua đá xay để bảo quản sản phẩm cũng rất nhiều. Tôi mong muốn được giới thiệu, hỗ trợ tiếp cận các công nghệ bảo quản sản phẩm hiện đại, nếu hiệu quả thiết thực thì chúng tôi sẽ cố gắng đầu tư”.
Khuyến khích áp dụng công nghệ mới
Thời gian qua, một số mô hình khuyến ngư đã hỗ trợ ngư dân trong tỉnh ứng dụng hầm bảo quản bằng vật liệu mới như polyurethane, nhưng khó có khả năng nhân rộng, bởi chi phí vật liệu cao gấp 3 - 4 lần vật liệu truyền thống. Mặt khác, do đa số tàu cá Bình Định có kích thước nhỏ nên ngư dân khó lắp ráp hệ thống làm lạnh; chi phí cho đầu tư ban đầu và nhiên liệu để chạy hệ thống làm lạnh khá cao, trong khi hầu hết sản phẩm thủy sản đều bán theo giá mua “xô”.
Tại Hội nghị trực tuyến giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản được Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 10.6, Viện nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT) đã chia sẻ về 2 công nghệ bảo quản sản phẩm thủy sản của đơn vị nghiên cứu thực hiện và chuyển giao. Trong đó, công nghệ Nano UFB bảo quản cá ngừ đại dương (đã chuyển giao cho 10 tàu câu cá ngừ đại dương của Bình Định từ năm 2017 - 2019) giá 50 triệu đồng/chiếc (nếu nhập nguyên thiết bị từ Nhật Bản thì giá là 50.000 USD/chiếc), có thể bảo quản sản phẩm trong 25 ngày, chất lượng đạt loại A chiếm khoảng 70% (bảo quản bằng thiết bị nước đá chỉ đạt khoảng 5 - 10%), triển vọng áp dụng cho các nghề khác như lưới vây, rê, kéo.
Còn công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương bằng đá sệt (đã lắp đặt và triển khai trên 2 tàu khai thác thủy sản xa bờ của ngư dân Bình Định và Khánh Hòa năm 2020), kết quả ban đầu cho thấy hệ thống vận hành ổn định, hiệu quả, phù hợp với tàu vỏ gỗ, composite, thời gian hạ nhiệt độ đúng tiêu chuẩn để bảo quản cá nhanh hơn 6 lần so với đá xay, sản phẩm bảo quản được 20 - 25 ngày (nước đá chỉ 10 - 12 ngày), chất lượng sản phẩm tăng bình quân hơn 30% và giảm được 4,7% tổn thất về số lượng so với đá xay. Viện nghiên cứu hải sản cũng kiến nghị các địa phương quan tâm tăng cường phối hợp chuyển giao các công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá.
“Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong năm 2021 tổ chức thực hiện mô hình bảo quản sản phẩm bằng công nghệ này đối với 2 tàu cá tham gia chuỗi liên kết khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương với DN, sau đó xem xét nhân rộng hơn mô hình trong các tàu tham gia chuỗi”, ông Nguyễn Công Bình cho biết.
HOÀI THU