Phòng và xử trí bệnh do nắng nóng
Trong những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người, làm cơ thể dễ bị mệt mỏi, ngứa ngáy, say nắng, ngất xỉu, thậm chí đột quỵ. Chính vì vậy, nhận biết biểu hiện và cách xử trí khi bị say nắng, say nóng sẽ giúp cho người bệnh hạn chế tối đa những ảnh hưởng đối với sức khỏe.
Những người dễ mắc các bệnh trong mùa nắng nóng gồm những nhóm đối tượng mắc bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, hen, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người làm việc trong môi trường nắng nóng hoặc ở nhiệt độ cao như công nhân, lò luyện gang thép, làm nông.
Triệu chứng thường gặp trong trường hợp nhẹ là hồi hộp, nhịp tim tăng nhanh, mệt mỏi, khát nước, chuột rút, hoa mắt, chóng mặt. Trường hợp nặng người bệnh có thể buồn nôn hoặc đau đầu dữ dội, khó thở, co giật, liệt nửa người, ngất xỉu, hôn mê, đột quỵ.
Khi gặp các vấn đề sức khỏe do nắng nóng, nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí như: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió; nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân, lau mát cơ thể nạn nhân bằng khăn mát; đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng hạ nhiệt độ cơ thể. Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nước mát nhỏ. Tốt nhất là nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước oresol pha đúng liều lượng. Nếu nạn nhân bị chuột rút cần xoa bóp nhẹ nhàng tại vùng cơ bị chuột rút. Ở mức độ nặng, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Cần chủ động phòng ngừa bệnh say nắng, say nóng có thể xảy ra như người cao tuổi không nên đi lại, làm việc vào ngày nắng nóng, nhất là giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Ra ngoài trời cần có mũ nón, mặc áo dài tay, quần áo nên được làm từ chất liệu thoáng mát và đội mũ rộng vành để bảo vệ da khỏi ánh mặt trời. Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Không nên đột ngột từ phòng điều hòa ra ngoài nắng ngay mà phải có thời gian thích ứng với nhiệt độ ngoài trời. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hằng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiểu 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện của thời tiết nắng nóng.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)