Minh bạch thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng
Năm 2020, lần đầu tiên Bình Ðịnh nằm trong nhóm xếp hạng trung bình về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Những việc cần làm ngay để cải thiện tình hình là tiếp tục kiểm soát, đẩy mạnh minh bạch hóa thủ tục hành chính; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với DN; kiểm tra, giám sát, hạn chế tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu...
Hướng dẫn người dân, DN thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. (Ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: N.V.T
Theo báo cáo PCI 2020, tổng số điểm PCI tỉnh Bình Định đạt được là 63,18 (giảm 3,38 điểm so với năm 2019), xếp thứ 37 (giảm 18 bậc so với năm 2019), xếp thứ 8 trong nhóm trung bình gồm 32 địa phương.
Trong 12 địa phương thuộc vùng Duyên hải miền Trung, Bình Định đứng thứ 9 (giảm 5 bậc so với năm 2019), đứng sau Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa; đứng trên Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình. Trong 5 tỉnh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định đang có thứ hạng thấp nhất.
Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần của PCI, chỉ có 3 chỉ số tăng điểm so với năm 2019 là: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (+0,23), gia nhập thị trường (+0,14), chi phí thời gian (+1,36). Trong khi đó, có đến 7 chỉ số giảm điểm là: Tiếp cận đất đai (-0,03), tính minh bạch (-1,35), chi phí không chính thức (-0,86), tính năng động của chính quyền tỉnh (-0,30), dịch vụ hỗ trợ DN (-0,07), đào tạo lao động (-0,08), cạnh tranh bình đẳng (-0,38).
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải, “tính minh bạch” là chỉ số thành phần quan trọng của CPI, được thu thập từ thông tin khảo sát các DN nhằm đánh giá khả năng “tiếp cận thông tin, tài liệu của các cơ quan nhà nước trong tỉnh” (bao gồm tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý, tài liệu về ngân sách) đủ chi tiết để DN sử dụng cho hoạt động kinh doanh.
Theo đánh giá của DN, việc cung cấp thông tin, tài liệu của tỉnh vẫn chưa thực hiện tốt; thông tin đăng tải trên website hoặc các phương tiện của tỉnh vẫn chưa đầy đủ, kịp thời. Yếu tố này không chỉ biểu hiện trong quá trình tiếp cận dự án đầu tư, chuẩn bị đầu tư mà còn trong quá trình dự án đi vào hoạt động. Nguyên nhân khiến chỉ số này bị đánh giá thấp điểm là do một số cơ quan, bộ phận cán bộ, công chức chưa tích cực cung cấp, chia sẻ thông tin theo nhu cầu của DN. Bên cạnh đó, DN ít tìm hiểu thông tin trên các website và các cơ quan Nhà nước nên cho rằng thông tin khó tiếp cận.
“Ðể cải thiện điểm số, thứ hạng và phấn đấu đạt vị trí tốt trên bảng xếp hạng PCI 2021, tạo đà tích cực trong những năm tiếp theo, cần tiếp tục công tác kiểm soát TTHC tại tất cả các sở, ban, ngành và UBND các cấp. Ðồng thời, khuyến khích người dân, DN góp ý trực tiếp vào hòm thư và đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kiến nghị kịp thời, có hiệu quả. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ trực tiếp hướng dẫn, thẩm tra, thực hiện các thủ tục cấp phép cho các DN trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng...”.
Giám đốc Sở KH&ĐT NGUYỄN THÀNH HẢI
Đáng chú ý, chỉ số “chi phí không chính thức” giảm điểm nhiều thứ hai trong 7 chỉ số giảm điểm. DN phản ảnh tình trạng vẫn còn chịu nhiều chi phí không chính thức trong suốt quá trình triển khai dự án, nhất khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, phòng cháy chữa cháy, đất đai, giải phóng mặt bằng. Không những thế, khi các dự án đi vào hoạt động, DN vẫn phải chịu nhiều chi phí khác mà lẽ ra họ không phải chi trả.
Bên cạnh đó, sự giảm điểm của chỉ số “tính năng động của chính quyền tỉnh” cho thấy, trong giải quyết công việc cho DN, vẫn còn tình trạng một số cơ quan, công chức, viên chức của tỉnh chưa thực sự tích cực trong việc giải quyết các yêu cầu của DN, chậm giải quyết hồ sơ tại các cơ quan tham mưu và ở cả cơ quan ra quyết định cuối cùng, từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
Trước thực trạng đó, ngày 17.6, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã ký ban hành công văn về việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cụ thể, thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiến hành rà soát và triển khai thực hiện các giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện vị trí thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh trong các năm tiếp theo, trước mắt là trong năm 2021.
Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch thông tin; kiểm soát chặt chẽ công tác tham mưu, đề xuất giải quyết TTHC trong nội bộ đơn vị và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu trong thực thi công vụ. Tăng cường đối thoại với DN, xúc tiến đầu tư; kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất tháo gỡ những bất cập, khó khăn, vướng mắc phát sinh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng, ổn định và thuận lợi cho đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh.
UBND tỉnh cũng giao Giám đốc Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất việc rà soát, đơn giản hóa TTHC hoặc ban hành các quy định giải quyết liên thông TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư. Qua đó, giúp DN tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí trong quá trình thực hiện TTHC và triển khai xây dựng dự án đầu tư, tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh.
NGUYỄN VĂN TRANG