Hệ thống tưới tiết kiệm xã Mỹ Tài và Mỹ Chánh Tây: Nông dân cần phối hợp để tăng hiệu quả
Hệ thống tưới tiết kiệm xã Mỹ Tài và Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) được đưa vào sử dụng nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nhưng để đạt được hiệu quả như mong muốn, cần sự phối hợp của nông dân.
Dự kiến tưới cho 350 ha đất sản xuất
Công trình hệ thống tưới tiết kiệm xã Mỹ Tài và Mỹ Chánh Tây thuộc dự án Thí điểm mô hình tăng trưởng xanh trong sản xuất thâm canh cây có múi và đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm trên cây trồng cạn để ứng phó với tình trạng nắng hạn tại Bình Định. Hệ thống có vốn đầu tư hơn 37 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ từ chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ và đối ứng ngân sách địa phương.
Trạm bơm Mỹ Tài có 5 máy bơm, với công suất 900 m3/giờ thuộc hệ thống tưới tiết kiệm xã Mỹ Tài và xã Mỹ Chánh Tây. Ảnh: Đ.PHƯƠNG.
Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho hay: “Công trình hệ thống tưới tiết kiệm gồm hạng mục chính là trạm bơm điện công suất 900 m3/giờ lấy nước từ sông La Tinh, các đường ống chính, đường ống nhánh, tuyến ống phân phối, đập dâng và bờ kè. Công trình hoàn thành vào tháng 10.2020, dự kiến cung cấp nước tưới cho 261 ha đất sản xuất nông nghiệp ở xã Mỹ Tài và 89 ha ở xã Mỹ Chánh Tây. UBND huyện đã bàn giao công trình và quyết định thành lập Ban quản lý (BQL) công trình cho UBND 2 xã Mỹ Tài và Mỹ Chánh Tây”.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài - Trưởng BQL công trình, cho biết: Để có cơ sở đánh giá khả năng tiêu thụ điện, lượng nước tưới và chi phí thực tế cho quá trình vận hành và bơm tưới, vụ Đông Xuân 2020 - 2021, BQL công trình đã thực hiện mô hình sản xuất 11 ha cây trồng cạn (9,5 ha đậu phụng ở Mỹ Tài và 1,5 ha ớt ở Mỹ Chánh Tây). Trong quá trình thực hiện bơm tưới, hệ thống gặp một số sự cố nên chỉ bơm tưới cho 9,5 ha đậu phụng, còn 1,5 ha ớt không thể sử dụng nguồn nước tưới từ công trình.
Mô hình trồng đậu phụng có 26 hộ ở thôn Mỹ Hội 2, xã Mỹ Tài tham gia. Ông Nguyễn Thành Lân, trồng 5 sào đậu phụng, chia sẻ: “Vùng đất cát pha này trước kia chủ yếu trồng mì, nay có hệ thống tưới tiết kiệm, tôi và người dân được hưởng lợi từ dự án là rất lớn, nên chuyển đổi sang trồng đậu phụng, năng suất bình quân đạt 120 kg/sào”.
Chưa đạt hiệu quả như mong muốn
Theo BQL công trình, năng suất cây đậu phụng trong mô hình ước đạt 24,6 tạ/ha, thấp hơn năng suất bình quân toàn huyện 15,7 tạ/ha; tổng thu nhập 61,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận 19,6 triệu đồng/ha. Do hệ thống khi đưa vào sử dụng có nhiều điểm lấy nước bị nghẽn không lên nước; mặt khác, các hố van và trụ lấy nước không có khóa, phạm vi hệ thống ống dẫn chia nhánh rộng nên nông dân tự mở nước tưới cho vùng sản xuất ngoài mô hình; một số nông dân trong mô hình không lắp hệ thống tưới tiết kiệm mà tưới xả tràn nên một số điểm trong ruộng không đủ nước tưới, cây đậu phụng bị chết, ảnh hưởng đến năng suất.
Mô hình tưới tiết kiệm cho đậu phụng vụ Đông Xuân 2020 - 2021 tại xã Mỹ Tài chưa đạt hiệu quả như mong muốn, năng suất mô hình đạt thấp, lợi nhuận không đủ để chi trả tiền điện bơm tưới. Tuy nhiên đây là bước đầu thực hiện mô hình trên đất gò đồi, nghèo dinh dưỡng, người dân cần phải đầu tư hợp lý về chế độ tưới, bón phân, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì mới mang lại hiệu quả so với cây mì. Được biết, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã lên kế hoạch tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân để áp dụng vào sản xuất.
Rút kinh nghiệm trong mô hình vụ Đông Xuân 2020 - 2021, Phòng NN&PTNT huyện và BQL công trình xây dựng kế hoạch tưới tiết kiệm, khoa học áp dụng thực hiện mô hình trồng 2 ha cây mãng cầu tại xã Mỹ Tài. Hiện nay, nông dân thống nhất lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã đặt cây giống và sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cây mãng cầu, dự kiến tiến hành trồng vào tháng 8.2021. Các đơn vị cũng đã lên kế hoạch sản xuất, đến năm 2023 sẽ thực hiện chuyển đổi 50% diện tích cây mì sang trồng các loại cây trồng cạn như đậu phụng, mè, ớt, rau dưa các loại. Đối với một số diện tích đất chân cao, đủ điều kiện thì chuyển đổi sang một số loại cây ăn trái có múi như mãng cầu, cam, mít...
Ông Hồ Nguyên Sĩ, Phó Giám đốc BQL dự án NN&PTNT, cho biết: “Ngành Nông nghiệp huyện sẽ rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất, xây dựng kế hoạch, vận động nông dân tham gia thực hiện sản xuất theo kế hoạch. Nông dân đầu tư tuyến ống nội bộ từ trụ vòi đưa về thửa ruộng và lắp đặt hệ thống phun tự động để tưới; loại cây trồng phải thống nhất hoặc có thời gian sinh trưởng như nhau để điều tiết nước hợp lý. Ngành nông nghiệp huyện cần phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện các mô hình khuyến nông về tưới tiết kiệm để tăng hiệu quả sản xuất; tính toán chi phí tiền điện bơm tưới, chi phí quản lý, vận hành và công tác duy tu, sửa chữa công trình”.
ĐÌNH PHƯƠNG