Thủ tướng: Sứ mệnh của người làm báo vừa vẻ vang, vừa gian nan, vất vả
Thủ tướng nhấn mạnh, sứ mệnh của những người làm báo đầy ý nghĩa, tự hào, vẻ vang nhưng cũng vô cùng gian nan và vất vả.
Chiều 20.6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt và làm việc với các cơ quan báo chí, nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2021).
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo về một số vấn đề về hoạt động báo chí trong thời gian qua; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chiến lược vaccine; tình hình kinh tế xã hội ước thực hiện 6 tháng đầu năm, và dự kiến 6 tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có 851 cơ quan báo chí, 20.000 phóng viên và 50.000 người làm việc ở các cơ quan báo chí. Thực hiện xong phần sắp xếp quy hoạch báo chí, từ 196 tờ báo đã giảm xuống còn 126 tờ (giảm 36%) không có báo của Hội mà chỉ có Tạp chí.
Về công tác truyền thông trong phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam luôn được đánh giá là minh bạch trong cung cấp thông tin về phòng chống dịch. Công tác thông tin, truyền thông triển khai sâu rộng, tạo được sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sứ mệnh của những người làm báo đầy ý nghĩa, tự hào, vẻ vang nhưng cũng vô cùng gian nan và vất vả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Với nhiệm vụ tạo ra dòng chảy truyền thông chính thống, tạo được niềm tin của công chúng đối với hoạt động phòng, chống dịch, ở đâu có hoạt động chống dịch thì ở đó có mặt đội ngũ những người làm báo, dù đó là nơi biên giới hay là tại các khu cách ly, các khu điều trị - những nơi có mức độ lây nhiễm rất cao, nhưng báo chí đã có mặt rất kịp thời, thông tin chính xác và có sức lay động để toàn Đảng, toàn dân cùng chung một ý chí vượt qua dịch bệnh.
Báo chí thời gian qua không chỉ làm tốt nhiệm vụ là dòng truyền thông chủ đạo trên các loại hình báo chí truyền thống như báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, mà còn chủ động sáng tạo những nội dung truyền thông đa dạng theo hình thức truyền thông đa phương tiện để “chiếm sóng" trên không gian mạng xã hội và truyền thông mới, đảm bảo tiếp cận nhanh hơn và rộng hơn tới đối tượng công chúng trẻ, góp phần đầy lùi thông tin xấu, độc.
Qua sự phản ánh của báo chí, đã thấy rõ tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam được thể hiện rõ trong thời gian toàn dân chống dịch; bừng lên một sức sống, một ý chí Việt Nam mãnh liệt không bao giờ khuất phục trước nghịch cảnh; hình ảnh một Việt Nam yêu thương và sẻ chia trong hoạn nạn theo đúng truyền thống nhân văn của dân tộc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí đã gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn trong thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách và tạo nguồn lực để báo chí nước nhà phát triển.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi ân cần, lời cảm ơn chân thành và lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các nhà báo lão thành, các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, người lao động đang làm việc trong các cơ quan báo chí của Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lịch sử của nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Bác Hồ - người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam đã nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”, là cầu nối thể hiện ý Đảng, lòng dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là công cụ “phò chính diệt tà”.
Đối với người làm báo cách mạng, Bác cũng khẳng định “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén” do đó “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng”. Thủ tướng nhấn mạnh, sứ mệnh của những người làm báo đầy ý nghĩa, tự hào, vẻ vang nhưng cũng vô cùng gian nan và vất vả.
“Lịch sử các cuộc kháng chiến dành độc lập cho Tổ quốc đã ghi dấu chân hàng nghìn nhà báo vào chiến trường với hành trang của lòng yêu nước, của tinh thần cách mạng, của sự mưu trí, dũng cảm của người lính trên mặt trận báo chí để thông tin kịp thời về cuộc chiến, về niềm tin, niềm tự hào dân tộc, niềm hy vọng chiến thắng, thống nhất đất nước đến đồng bào và chiến sỹ cả nước. Hàng trăm nhà báo đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường và nhiều người vẫn đang nằm lại mãi mãi với đồng đội đã hy sinh trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Lịch sử sẽ mãi mãi không bao giờ quên công lao to lớn và sự hy sinh cả cuộc đời của các anh, các chị. Trong giờ phút này, chúng ta thành kính tưởng nhớ, bày tỏ sự tri ân, biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đến các liệt sỹ, nhà báo đã hy sinh và đến các thế hệ nhà báo đã cống hiến hết mình vì đất nước, vì sự nghiệp của Đảng, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân”, Thủ tướng xúc động nói.
Hiện nay, toàn đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu hết mình vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Thủ tướng khẳng định, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện phương thức lãnh đạo của Đảng, kết nối giữa Chính phủ và nhân dân, lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.
“Các nhà báo là chiến sỹ với ngòi bút, trí tuệ sắc bén đã truyền tải chủ trương định hướng của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước tới công chúng một cách chính xác, kịp thời và hiệu quả. Trong thời gian vừa qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã làm rất tốt vai trò đó. Tôi thật sự cảm phục về trí tuệ, tinh thần làm việc của các nhà báo, của nền báo chí cách mạng Việt Nam chúng ta. Trong mỗi tác phẩm đều thể hiện niềm tin với Đảng, với Nhà nước và sự say mê nghề nghiệp, khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước, phụng sự nhân dân”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quà tặng các cơ quan báo chí tại cuộc gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, tác động khó khăn trăm bề. Với quyết tâm chính trị cao và những giải pháp phù hợp của Đảng, Nhà nước và sự đồng lòng, nỗ lực lớn của các tầng lớp nhân dân, đất nước chúng ta là một trong những điểm sáng trên thế giới thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội. Có được kết quả đó, sự đóng góp trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối và nâng cao ý thức, hành động cụ thể, hiệu quả chống dịch của người dân là rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định.
Đảng và Nhà nước đang quyết tâm để ngăn chặn đại dịch trong đó chú trọng chiến lược vaccine để tiêm miễn phí đến toàn dân hàng năm, tạo miễn dịch cộng đồng để sớm phục hồi kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính phủ sẽ thường xuyên, đánh giá, dự báo tình hình trong nước và quốc tế để xây dựng, triển khai kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả sát với tình hình. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng mong nhận được sự đồng hành, chia sẻ và hành động của các cơ quan báo chí trên cơ sở phát huy truyền thống “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” để cùng với Đảng, Nhà nước chúng ta thực hiện được mục tiêu chung.
“Chính phủ luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, thách thức, đánh giá cao và có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan báo chí, các nhà báo đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong phạm vi, quyền hạn của Chính phủ. Chính phủ mong muốn nhận được sự ủng hộ, góp ý của các nhà báo để xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hiểu dân và gần dân, tất cả vì lợi ích của quốc gia, vì dân tộc, lợi ích của nhân dân", Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Theo Vũ Khuyên (VOV)