ĐỀN ÔNG KHÁM VÀ NHÂN VẬT CHU TÁ AN:
Nên được nghiên cứu nhiều hơn
Đền Ông Khám nằm khiêm tốn trong khuôn viên Trường Tiểu học Chánh Hội, ở xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ. Dân gian hay gọi là “đền” nhưng hiện nay quy mô công trình còn lại chỉ ở mức như một ngôi miếu nhỏ. Nguyên thủy đây là nơi thờ Chu Tá An, một người có công lớn với nước nhưng chưa được nghiên cứu, đánh giá đúng mực.
Đền Ông Khám có từ xa xưa, người địa phương cho hay hình dạng và quy mô như hiện nay là mới xây dựng lại sau này, còn công trình nguyên thủy đã đổ nát từ lâu, thời điểm xây dựng lại còn chưa rõ ràng. Năm 2019, người dân địa phương tu sửa và đền được sử dụng như miếu Thanh Minh! Theo nhiều vị cao niên kỷ, ngày xưa dân Phù Mỹ, đặc biệt là dân xã Mỹ Cát và vùng lân cận thường gọi đây là đền Ông Tráng. Và kỵ húy tên gọi cũng như tỏ lòng tôn kính người có công với nước, người dân nơi đây gọi chệch “bánh tráng” ra là “bánh trướng”. “Tráng” ở đây là cách gọi theo tước phong của Chu Tá An.
Trường Tiểu học Chánh Hội, nơi có Đền Ông Khám.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi nhận sự tồn tại của ngôi đền này - đền Tráng Bang Hầu, thờ người có công với đất nước-như sau: “Thần họ Chu húy Tá An, đỗ Hương Cống hồi đầu bản triều, làm quan đến chức Khám lý, được phong tước Tráng Bang Hầu. Có công dẹp được người Man và mở mang lãnh thổ, sau khi mất, người trong thôn lập đền thờ”.
Theo Nước non Bình Định của Quách Tấn thì triều đình đã cắt cấp tới 30 mẫu công điền ở thôn Trung Tường (nay thuộc xã Mỹ Chánh Tây) để lo việc hương khói cho đền. Các vị cao niên người địa phương cho biết vào trước kia, hằng năm đến kỳ tế lễ lý hương làng Chánh Hội lại đem chiêng trống, cờ kiệu sang Trung Tường-nơi an táng Chu Tá An - dẫy mả ông rồi rước linh về Chánh Hội cúng tế linh đình.
Từ những điểm sơ lược như trên cũng có thể thấy rằng Khám lý Chu Tá An có công trạng không nhỏ thời các Chúa. Tiếc là thư tịch cổ ghi chép khá sơ sài. Viêm Giao trưng cổ ký (Ghi chép sưu tập di tích cổ nước Nam) của Tổng Tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục cũng chỉ lược sơ như Đại Nam nhất thống chí. Người dân Phù Mỹ tuy cúng tế trân trọng nhưng lại khoác lên đó màu sắc hư hư thực thực khiến ngày nay ngay cả khi muốn tỏ tường để ghi khắc công lao của tiền nhân cũng rất lúng túng. Do vậy hành trạng nhân vật Chu Tá An nên có thêm việc khảo sát, nghiên cứu nhiều hơn. Bước đầu tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận vài nét đáng lưu ý làm cơ sở gợi mở để những người chung mối quan tâm có thể cùng khảo cứu, chia sẻ.
Đền Ông Khám. Ảnh: P.T.NGHỊ
Điều có thể khẳng định tên tục của người được thờ ở đền Ông Khám chính xác là Chu Tá An. Phải khẳng định như vậy vì một số người dân địa phương vẫn gọi ông là “Chu Quý Công”. Có thêm cách gọi này có lẽ là do có người đọc được ở tộc phả, ở bia mộ xưa, hoặc ở bài văn cúng tế. Thật ra đây là cách gọi cực kỳ tôn kính người mất thay cho thụy hiệu, hoặc vì lấy thứ tự trong hàng anh em làm tên khắc ở bia thay cho tên tục.
Thứ đến là Chu Tá An có chức vụ là Khám lý, tước Tráng Bang Hầu, học vị Hương Cống. Khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam, chia đặt các dinh, dinh chia ra nhiều phủ, phủ chia làm nhiều huyện. Cai trị ở dinh có lưu thủ (trấn thủ), cai bạ (coi việc trưng thu, sổ sách đinh điền), ký lục (coi việc văn án từ tụng). Phủ thì có tuần vũ đứng đầu, đặc biệt riêng hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn của Dinh Quảng Nam, đặt thêm chức khám lý để cùng tuần vũ quản hạt ở phủ.
Kể từ thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, việc tổ chức khảo thí tuyển chọn nhân tài ở Đàng Trong chỉ thấy lấy học vị Nhiêu Học. Đến thời Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát, năm Kỷ Mùi 1739 mới định lại phép thi, người trúng cách Nhất trường mới gọi là Nhiêu Học, người vào đến Tứ trường, trúng cách gọi là Hương Cống, được bổ tri phủ, tri huyện, huấn đạo. Sách Viêm Giao trưng cổ ký của Cao Xuân Dục soạn năm 1900 cũng khẳng định “Chu Tá An đỗ Hương Cống vào hồi đầu dựng nước triều ta”. Như vậy tạm đoán định hành trạng Chu Tá An diễn ra từ thời Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765) trở về sau.
Kế đó căn cứ vào chi tiết “có công bình Man, mở mang bờ cõi” mà sách Đại Nam nhất thống chí chép, sẽ thấy Chu Tá An sống cuối thời Chúa Nguyễn, dẹp giặc Man khi làm quan Khám lý, nhiệm sở ông đảm nhận là ngay tại phủ Quy Nhơn.
Cuối thời các chúa, quyền thần Trương Phúc Loan dựng lập chúa Phúc Thuần, cậy thế ưu ái cho vây cánh vơ vét của cải tài nguyên. Ví dụ, Trương Phúc Loan được giao quản thu nguồn lợi từ vùng Trà Đinh và Trà Vân (về sau gọi là Trà Bình, Trà Vân) ở huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn, hằng năm tiền thuế thu ở đây lên tới 2.550 quan. Nhưng các quan được giao quản thu không dừng lại ở đó mà còn vơ vét, nhũng nhiễu khiến cộng đồng các dân tộc thiểu số bức xúc, nổi loạn. Năm Canh Dần 1770 người H’rê tràn xuống đồng bằng, sử nhà Nguyễn gọi họ là Man Thạch Bích, giặc Đá Vách. Ký lục Dinh Quảng Nam là Trần Phước Thành làm Khâm sai, điều khiển tướng sĩ, binh dân Quảng Ngãi và quân lính hai phủ Quy Nhơn, Phú Yên đánh dẹp, đuổi giặc về núi, rồi cho đặt những đồn binh dọc biên giới để trấn giữ. Nhờ đó dân các làng quay trở về làm ăn như cũ, dân các nơi cũng tìm đến để khai khẩn. Các đồn bảo hiện nay còn vết tích, kéo dài từ Hoài Sơn chạy xuống tới Thiết Đính, Đệ Đức, phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn). Có lẽ Khám lý Chu Tá An có tham dự trận chiến này, nên sách xưa chép là ông có công dẹp giặc Man, mở mang bờ cõi.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ