Nhà báo Hồ Chí Minh
Không chỉ là một lãnh tụ chính trị kiệt xuất, một danh nhân văn hóa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà báo vĩ đại. Người coi báo chí là phương tiện để vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức, thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả nhất. Chính vì vậy, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu và bất cứ giai đoạn, tình thế nào, Người vẫn quyết tâm sáng lập, chỉ đạo, cho ra đời những tờ báo cách mạng. Cuộc đời dùng báo chí làm con đường cách mạng của Bác được giới thiệu ngắn gọn, rõ ràng qua phim tài liệu Nhà báo Hồ Chí Minh do Kênh VTV1 - Đài THVN thực hiện.
Phim dài hơn 49 phút, giới thiệu trọn vẹn bối cảnh xã hội lúc bấy giờ tương ứng với những bài báo, tờ báo của Bác. Cả đời Người sử dụng báo chí làm công cụ đấu tranh cách mạng, hơn 2.000 bài báo, hơn 200 bút danh, tất cả phục vụ một mục đích duy nhất: Giải phóng dân tộc.
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đã trải qua những biến động cực kỳ đau đớn. Thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác Đông Dương để bù đắp cho nền kinh tế của chính quốc bị kiệt quệ do chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đi đôi với sự gia tăng đàn áp chính trị, chúng đã bần cùng hóa nông dân, đẩy công nhân đến sự cùng cực. Nhiều phong trào đấu tranh của những người yêu nước nổ ra nhưng bị đàn áp. Trong bối cảnh đó, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định đi tìm đường cứu nước. Ngày 18.6.1919 thay mặt Hội những người An Nam, Nguyễn Tất Thành mang tới Hội nghị hòa bình Versailles bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm, ký tên Nguyễn Ái Quốc… Tiếp đó, năm 1921 Người tham gia Hội liên hiệp thuộc địa và cho ra đời tờ báo Người cùng khổ, lần đầu tiên trên thế giới có 1 tờ báo dành cho người lao động. Đến Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục viết cho nhiều tờ báo, và thực sự trở thành một nhà báo quốc tế. Sau khi rời Liên Xô sang Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục dùng báo chí là phương tiện truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Tại Trung Quốc, Bác thành lập Thanh niên cách mạng đồng chí hội và cho ra đời tờ báo Thanh Niên là cơ quan ngôn luận. Năm 1925 báo Thanh Niên chuyển từ Quảng Châu (Trung Quốc) về Việt Nam… Cứ thế trong hành trình giành độc lập cho dân tộc, Bác luôn dùng báo chí làm công cụ. Bác cũng đã để lại nhiều lời dạy sâu sắc về nghề báo, cách làm báo. Bác dạy: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được” và trước khi viết cần xác định “Viết cho ai, viết để làm gì?”
Có thể xem phim tại link: https://bitly. com.vn/xrpbmb.
T. YÊN