Khai bút đầu Xuân - Nét đẹp tâm linh
Khai bút đầu Xuân đã diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Tiêu biểu tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ... những ngày đầu năm, chúng ta vẫn bắt gặp những cụ đồ khăn xếp áo the và bên cạnh đó xuất hiện những ông đồ trẻ ăn mặc tân thời com-lê cà vạt với mực tàu và giấy đỏ. Người đi xin chữ nhiều hơn viết chữ. Cách khai bút đầu xuân tuy không còn trịnh trọng và nghiêm trang nhưng vẫn được rất nhiều người trẻ coi đó là một việc nên làm, cần làm vào thời khắc quan trọng của một năm, trở thành nét đẹp văn hóa đầu xuân.
Tùy theo hoàn cảnh từng người để xin chữ cho thích hợp với ước nguyện đạt được trong năm mới bắt đầu từ những ngày đầu xuân. Đa số đều xin chữ Phúc, Lộc, Thọ; có người xin chữ Nhẫn, “Công dung ngôn hạnh”... Những người làm kinh doanh hy vọng một năm “buôn may bán đắt”... Họ cầu mong cho gia đình hạnh phúc, con cái khỏe mạnh. Những sinh viên, học sinh thì... viết dài hơn bình thường, những lời mong mỏi của lòng họ trong năm mới.
Tại nhiều vùng “đất học” nổi tiếng như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định... tục khai bút đầu xuân không chỉ là của riêng một nhà, một người... nó còn trở thành phong tục truyền thống của cả một miền quê hiếu học. Lễ khai bút đầu xuân của vùng đất Kinh Dương (Kiến Thụy, Hải Phòng); hay Lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định)... luôn được rất nhiều người quan tâm tìm đến. Tuy thời thế có sinh nhiều... biến tướng nhưng tục khai bút đầu xuân vẫn như một nét đẹp tâm linh, thiêng liêng và giàu giá trị thẩm mỹ của người Việt. Bởi nét chữ khởi đầu cho một năm thường mang theo sự cầu phúc an lành, may mắn. Đặc biệt tại Đền thờ Thầy giáo Chu Văn An, núi Phượng Hoàng xã Văn An, thị xã Chí Linh (Hải Dương) đã diễn ra lễ khai bút đầu Xuân sáng 5.2 (mùng 6 tháng Giêng Âm lịch Giáp Ngọ). Các cụ đồ nho cao tuổi, lãnh đạo, nhà giáo cao tuổi, uy tín của Hải Dương đã khai bút với các chữ “Chính, Học, Thuần, Hành” và “Trí, Tuệ, Minh, Tâm, Đức, Phúc, Thành, Đạt, Vinh”. Lễ khai bút nhằm tôn vinh sự học, nghiệp dạy của học sinh và giáo viên cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng. Lễ khai bút cũng còn như nhắc lại lời dạy của tiền nhân về đạo lập thân, tu nghiệp, rèn đức, luyện tài để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Ngay sau lễ khai bút, Ban tổ chức đã tuyên đọc sớ vinh danh sự nghiệp dạy học của Thầy giáo Chu Văn An - người thầy muôn đời của các thế hệ người Việt Nam.
Theo sử sách, Chu Văn An (1292 - 1370) có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, quê thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Chu Văn An là người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Ông có công lớn trong việc quảng bá, hình thành đạo đức, tư tưởng Khổng giáo mang bản sắc Việt Nam. Ông được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Dưới thời vua Trần Dụ Tông, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 gian thần nhưng không được Vua nghe. Ông từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng, Chí Linh dạy học, viết sách cho đến khi mất. Khu đền thờ Thầy giáo Chu Văn An nằm giữa khu rừng thông xanh tươi ngút ngàn của núi rừng Phượng Hoàng. Đền được khánh thành ngày 4.1.2008, bao gồm các hạng mục: Đền thờ chính, hai nhà tả hữu, hai nhà bia và một số hạng mục khác. Nguyên khởi của ngôi đền chính “Điện lưu quang” là nơi thầy giáo Chu Văn An ngồi dạy học. Không nguy nga hoành tráng, cầu kì, đền thờ nhà giáo Chu Văn An được thiết kế, xây dựng mang đậm nét truyền thống dân tộc. Ngôi đền chính được chồng diêm tám mái thể hiện sự tôn vinh đẳng cấp và tầm vóc của danh nhân theo tập quán người Việt. Ngay cổng có hàng chữ “Vạn thế sư biểu” để thể hiện tấm lòng của bao thế hệ người Việt với Chu Văn An. Trong khu đền thờ, một chữ “Học” lớn được thể hiện trang trọng, như muốn gửi gắm sự thành kính tới bậc “vạn thế sư biểu” của Việt Nam, cũng như tôn vinh đạo học của con người đất Việt. Đền thờ Chu Văn An là nơi diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những điển hình trong ngành giáo dục của cả nước. Nhiều trường học trong cả nước cũng đã tổ chức cho học sinh đến đây tham quan kết hợp tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Du khách đến viếng đền đầu Xuân thường xin chữ thánh hiền từ các cụ đồ nho, cầu công danh hiển đạt, học hành, khoa cử tiến bộ. Cũng trong lễ khai bút, Hội khuyến học thị xã Chí Linh (Hải Dương) và huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tuyên dương 34 giáo viên, học sinh có thành tích cao trong dạy và học, kỳ thi đại học năm 2013, kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Sao Đỏ trao tặng 100 triệu đồng, Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Bắc Hải Dương trao tặng 50 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học thị xã Chí Linh.
Theo Vũ Xuân (Văn hiến Việt Nam)